HOT BenQ SW2700PT dưới góc nhìn nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 26/12/17.

  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    BenQ SW2700PT, một cái tên có lẽ không mới trong thời điểm hiện tại. Nó được xem là một trong những màn hình đồ hoạ chuyên nghiệp có chất lượng tốt cũng như giá thành hợp lý. SW2700PT đã nhận được rất nhiều lời khen từ các trang đánh giá phần cứng uy tín như Tom's Hardware, PCMag và DigitalTrends. Tuy nhiên, đa phần đấy là nhận xét đến thuần tuý từ kỹ thuật và có thể nhiều đối tượng độc giả, đặc biệt là các photo editor vẫn còn tương đối lăn tăn khi có ý định đem màn hình này về bàn làm việc của mình. Tuy nhiên, mọi thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp qua bài viết đánh giá màn hình BenQ SW2700PT của Colby Brown, một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới. Amtech xin trích dẫn và lượt dịch bài viết của anh để bạn đọc có thể hiểu rõ về màn hình đồ hoạ chuyên nghiệp BenQ SW2700PT dưới góc nhìn của một nhiếp ảnh gia.

    [​IMG]

    Đôi nét về Colby Brown

    Colby Brown là nhiếp ảnh gia, giảng viên nhiếp ảnh và tác giả đến từ khu vực Đông Pennsylvania, Hoa Kỳ. Anh được biết đến trên toàn cầu như là một trong những cái tên hàng đầu trong giới nhiếp ảnh ở thể loại ngoại cảnh, du lịch và nét đẹp con người. Thông qua những bức ảnh của Colby, chúng ta có thể thấy rõ sự kết hợp giữa tình yêu của anh với thế giới tự nhiên và niềm đam mê khám phá các nền văn hoá thế giới của nhân loại. Có thể nói mỗi tác phẩm của Colby sẽ là một mẩu chuyện đời sống rất thú vị của hành tinh này.

    [​IMG]

    Colby đã trở thành một nhiếp ảnh gia từ năm 2006 và nổi tiếng vượt bậc trong ngành nhiếp ảnh. Cụ thể sau khoảng thời gian không lâu cầm máy DSLR, Colby đã trở thành chủ của một workshop thuộc kênh truyền hình National Geographic tại Nam Mỹ, qua đó anh đã thoả mãn được đam mê du lịch lẫn giáo dục nhiếp ảnh. Trong năm 2011, anh thành lập The Giving Lens (TGL), một tổ chức giảng dạy về nhiếp ảnh được hỗ trợ từ nhiều tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới. TGL sẽ giúp đỡ nền giáo dục cho trẻ em, thực hiện các dự án làm sạch nước uống, bảo vệ động vật, nữ quyền và hơn nữa.

    Với tầm ảnh hưởng lớn của mình trong giới nhiếp ảnh, Colby Brown đã hợp tác với nhiều công ty lớn trong vai trò đầu tàu trong các chiến dịch quảng bá quy mô lớn trên toàn thế giới, bao gồm Sony, Samsung, Toshiba, Iceland Naturally, Jordan Tourism Board, Australia.com, Travel Alberta, Visit California...

    Hiện tại, anh đang hợp tác với nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực nhiếp ảnh như Sony, Wacom, X-Rite và G-Technology cũng như các công ty khác ở nhiều lĩnh vực.

    Lời nói đầu

    Khi nói đến màn hình đồ họa dành cho nhu cầu chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp, chúng ta luôn có vô vàn sự lựa chọn. Từ màn hình tấm nền TFT cho đến TFT IPS, độ phân giải 1080p đến 4K, màn hình phủ mờ hay bóng bẩy và nhiều nữa, với nhiều mức giá khác nhau. Dù vậy, nhiều nhà nhiếp ảnh vẫn rất tiết kiệm trong việc chọn lựa màn hình đồ họa để phục vụ công việc của mình. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn USD để đầu tư vào máy ảnh và ống kính để cho ra đời những bức ảnh tốt nhất có thể, nhưng lại không chú ý đến chất lượng màn hình mà họ sẽ dùng để tùy chỉnh tác phẩm của mình, nhất là khi xét đến độ chính xác màu sắc, độ sáng và sắc nét.

    [​IMG]

    May mắn là không phải màn hình đồ họa giá rẻ nào cũng có chất lượng bèo như giá tiền của nó. Nghệ thuật nhiếp ảnh đã thay đổi rất nhiều trong những năm trở lại đây, nhiều nhà sản xuất màn hình nổi tiếng như ASUS, Dell hay BenQ đã bắt đầu sản xuất màn hình phổ màu (gamut) rộng chất lượng cao giá tốt hướng đến đối tượng người dùng nhiếp ảnh. Những màn hình như BenQ SW2700PT có độ phân giải cao (2560x1440) có không gian màu AdobeRGB 99%, sRGB 100% và đặc biệt là hệ màu phim Rec.709 và tái tạo màu 10bit. Chưa hết, nó sở hữu những tính năng phụ nhưng cũng khá quan trọng đối với dân nhiếp ảnh như khe đọc thẻ SD tích hợp trên thân màn hình và màn chắn sáng giúp họ chỉnh sửa ảnh mà không bị hiện tượng khúc xạ ánh sáng làm sai lệch cảm giác về màu, dẫn đến thành quả của mình bị hư hỏng một cách không đáng có.

    Vậy thì BenQ SW2700PT có thực sự đáng với cái giá của nó (Tại thời điểm này, SW2700PT đang được BenQ bán độc quyền trên trang thương mại điện tử Lazada với giá 15.450.000 đồng) hay không?

    Cấu hình sơ lược

    Mở hộp

    Không có gì đáng ngạc nhiên khi màn hình BenQ SW2700PT được đóng gói rất chuẩn khi chúng được bảo vệ rất tốt với mút mềm và gói bọc chống nhiễu từ. Bên trong hộp, không chỉ sách hướng dẫn, bạn còn có tờ báo cáo thông tin cân màu khi xuất xưởng của màn hình. Ngoài ra, bạn còn có các dây kết nối bao gồm DVI-DL, HDMI 1.4, Display Port 1.2 và dây nguồn. Hơn nữa, BenQ còn đính kèm luôn cả màn chắn sáng cũng như remote điều khiển OSD rời để giúp tôi chuyển qua lại giữa các profile màu nhanh chóng mà tôi sẽ nói rõ trong phần sau của bài viết.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Chất lượng hoàn thiện và thiết kế

    Nhìn chung thì chất lượng hoàn thiện của SW2700PT rất tốt. Chúng sở hữu vẻ ngoài theo trường phái tối giản nhưng rất cứng cáp. Cạnh trên và hai bên của màn hình là các điểm kết nối cho phép bạn có thể lắp đặt màn chắn sáng khi làm việc với ảnh chụp. Đây là phụ kiện rất quan trọng nếu như môi trường làm việc của bạn có quá nhiều luồng sáng dễ gây hiện tượng khúc xạ trên màn hình, gây ảnh hưởng đến cảm giác màu khiến bạn có thể nhận diện sai màu ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của mình.

    [​IMG]

    Phía cạnh dưới màn hình, bạn sẽ thấy dàn nút điều khiển màn hình (bao gồm cả nút nguồn) giúp bạn tháo tác điều chỉnh thông số trên menu OSD của màn hình. Nghe có vẻ khó dùng nhưng thực tế nếu so với màn hình ASUS Pro Art 27" QHD trước đây của tôi, SW2700PT còn dễ dùng hơn một chút.

    [​IMG]

    Phía sau của SW2700PT là dàn cổng kết nối của màn hình bao gồm cổng hub USB 3.0 (dùng để cắm vào cổng USB 3.0 trên máy tính của bạn), HDMI, DVI-DL, Display Port 1.2, jack âm thanh 3.5mm và cổng micro USB dành cho remote OSD rời. Phía trái màn hình bạn sẽ có 2 cổng USB 3.0 và 1 đầu đọc thẻ SD hỗ trợ các chuẩn thẻ như SD/SHDC/SDXC, MMC, Memory Stick/Memory Stick Pro và MS Duo/MS-Pro Duo. Điều này rất quan trọng nếu như máy tính của bạn không có đầu đọc thẻ, khi đó bạn có thể dùng đầu đọc trên SW2700PT để thay thế cũng được.

    [​IMG]
    Lại tiếp tục là phía sau của SW2700PT, nó có hỗ trợ treo tường theo chuẩn VESA 100x100mm và tôi sử dụng giá treo Ergotron để treo SW2700PT lên tường rất hiệu quả.

    [​IMG]
    Màn hình dành cho nhiếp ảnh gia?

    Khi nói đến màn hình nhiếp ảnh, chúng ta sẽ xét đến nhiều nhân tố quan trọng để chọn ra màn hình phù hợp. Dải màu hỗ trợ, độ sâu màu, độ phân giải, tấm nền màn hình, độ chính xác và khả năng quản lý màu sẽ là các tiêu chí cần xét. Rất may là SW2700PT không hề gây thất vọng những mặt này.

    Dải màu hỗ trợ

    Thông số này sẽ quyết định đến khả năng hiển thị màu sắc của màn hình. Thông thường chúng ta sẽ xem số % không gian màu sRGB và AdobeRGB hỗ trợ để có được kết luận về dải màu của màn hình. sRGB thường được sử dụng trên các trình duyệt web (hay bất kỳ nội dung hình ảnh nào tồn tại trên Internet) và các thiết bị di động trong khi đó, không gian màu AdobeRGB lớn hơn lại được sử dụng phổ biến khi in ấn các tác phẩm chất lượng cao. Các màn hình tiêu chuẩn hay thiết bị di động phổ biến hiện nay đa phần đều hỗ trợ ít nhất 70% hai không gian màu kể trên, nhưng với SW2700PT thì không gian màu của nó rộng hơn rất nhiều.

    [​IMG]
    Với màn hình của BenQ, bạn sẽ có không gian màu 100% sRGB và 99% AdobeRGB. Hai con số vô cùng ấn tượng!

    Độ sâu màu

    Nếu bạn nghĩ Dải màu hỗ trợ được xem là những gì tinh tuý nhất về màu sắc mà màn hình có thể hiển thị, thì độ sâu màu sẽ đại diện cho số lượng hướng và độ lớn của vùng màu ảnh (gọi tắt là gradient màu) và tông màu của nhóm màu có thể hiển thị chính xác trên màn hình.

    [​IMG]
    SW2700PT là màn hình 10-bit do đó nó có thể hiển thị số lượng màu lên đến hơn 1 tỷ (chính xác là 1.07 tỷ màu). Hầu hết các màn hình trên thị trường chỉ hỗ trợ 8-bit, do đó bạn có thể an tâm về độ mượt mà của gradient màu (Thường thấy rõ ở những bức ảnh chụp bầu trời vào hoàng hôn) và ít khi xuất hiện tình trạng vỡ điểm ảnh.

    Độ phân giải

    Cho đến thời điểm này, tôi nghĩ mọi người đều hiểu được tầm quan trọng của độ phân giải ảnh hưởng thế nào lên chất lượng công việc, đặc biệt là chỉnh sửa ảnh. Độ phân giải càng cao, màn hình càng hiển thị sắc nét hơn, điều đó có nghĩa là các dòng chữ và chi tiết đều được làm rõ, sắc sảo và chính xác hơn. Tuy nhiên, kích thước màn hình cũng nắm vai trò lớn. Với SW2700PT, bạn sẽ có màn hình kích thước hiển thị lên đến 27", khá to so với một màn hình máy tính bình thường. Hiện nay, vẫn có khá nhiều nhiếp ảnh gia vẫn không chọn mua màn hình 27" vì chúng thường chỉ hỗ trợ độ phân giải 1080p (1920x1080) hay còn được biết đến là Full HD. Trong khi đó, độ phân giải này cũng có thể chấp nhận được ở màn hình TV khi bạn ngồi xa nó mỗi khi xem phim, tất nhiên hình ảnh sẽ có chất lượng rất kém khi bạn xem ở cự ly gần đặc biệt là đối với màn hình vi tính 27".

    [​IMG]
    Với SW2700PT, bạn sẽ có màn hình độ phân giải WQHD 2560x1440 cao hơn gấp 1.3 lần so với 1920x1080. Qua đó hình ảnh hiển thị trên màn hình này sẽ nét hơn với chất lượng chi tiết ảnh tốt hơn rất nhiều với mật độ điểm ảnh tuyệt vời 109 PPI.

    Tấm nền màn hình

    Đối với nhiếp ảnh gia, màn hình có góc nhìn tốt là một lợi thế lớn. Tại sao? Vì màn hình có góc nhìn quá tồi sẽ dẫn đến tình trạng hiển thị sai về độ tương phản và bão hoà màu tuỳ theo góc nhìn mà bạn đang quan sát màn hình. Có thể màn hình giá rẻ nhìn đúng hướng sẽ không sao nhưng khi đổi góc nhìn nó sẽ là thảm hoạ không nhỏ khi nó làm giảm chất lượng hình ảnh rất nhiều. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra với SW2700PT, vì nó được BenQ tích hợp công nghệ tấm nền IPS.

    [​IMG]
    Tấm nền IPS giúp SW2700PT có được góc nhìn rộng hơn cho phép bạn có thể sử dụng màn hình ở mọi góc độ mà không cần phải lo lắng về chất lượng hiển thị hình ảnh. Và góc nhìn của bạn lên đến 178 độ, do đó khỏi phải nói, tôi không có gì để phàn nàn về góc nhìn của màn hình này.

    Độ chính xác màu

    Không có nhà nhiếp ảnh nào muốn thấy màn hình của mình hiển thị sai màu vì như thế màu sắc mà bạn thấy khi chỉnh sửa ảnh lại không đúng như thực tế. Do đó, màn hình đồ hoạ chuyên nghiệp rất ít khi bị sai màu. BenQ SW2700PT có Look Up Table (Bảng chuyển đổi giá trị màu RGB - LUT) 3D 14-bit cùng độ lệch màu Delta E<2 trên cả hai không gian màu AdobeRGB lẫn sRGB. Những con số đó nói lên điều gì?

    [​IMG]
    Điều đó có nghĩa là màn hình của bạn có độ chính xác màu, khả năng tái tạo màu và luân chuyển màu thuộc hạng đỉnh cao. Màn hình LCD rẻ tiền chắc chắn chỉ có LUT 8-bit cho mỗi màu RGB, trong khi đó SW2700PT mang đến trị số gấp đôi. Qua đó bạn sẽ có thể xem được hàng triệu triệu màu tối ưu cho việc chỉnh sửa ảnh của mình. Để biết thêm chi tiết về các thông số này, bạn có thể xem thêm tại đây.

    Khả năng quản lý màu

    Dù cho SW2700PT có màu sắc thể hiện chính xác đến đâu thì thời gian sử dụng lâu dài cũng sẽ khiến nó trở nên không còn chính xác như ban đầu. Và lúc đó khả năng quản lý màu của màn hình sẽ được xét đến. Trong khi SW2700PT có nhiều profile màu sắc mà bạn có thể truy cập trong menu OSD của nó (Standard, Adobe RGB, sRGB, B+W, Rec. 709, DCI-P3, Photo, Low Blue Light), bạn vẫn sẽ cần đến thiết bị đo màu của bên thứ ba để tạo ra profile màu riêng dành cho nhu cầu của bạn. Tôi thường xuyên phải làm việc trên không gian màu sRGB trong những ngày gần đây, vì thế tôi luôn phải đảm bảo cả ba màn hình làm việc của mình phải được cân màu chính xác cho không gian màu đó.

    [​IMG]
    Thiết bị đo của tôi là chiếc i1 Display Pro của X-Rite. Tôi đã sử dụng sản phẩm của X-Rite rất nhiều năm và đảm bảo với các bạn là độ chính xác của các thiết bị cũng như phần mềm quản lý màu của họ là cực kỳ chuẩn xác.

    [​IMG]
    Có một điều thú vị mà bạn nên biết về SW2700PT là nó sử dụng chip xử lý màu riêng tích hợp vào màn hình. Điều này có nghĩa là màu sắc do profile màu của bạn xuất ra sẽ không bị ảnh hưởng ngay cả khi bạn thay đổi card đồ hoạ khác vào hệ thống máy tính của mình để xuất hình.

    Remote điều khiển OSD

    Nếu bạn là người thường xuyên thay đổi giữa các không gian màu với nhau như sRGB, AdobeRGB và Trắng đen (Black and White) để làm việc, thì remote điều khiển OSD rời đi kèm cùng SW2700PT chắc chắn sẽ là phụ kiện không thể thiếu dành cho bạn. Một khi bạn đã thiết lập xong chiếc remote này, bạn có thể chuyển đổi qua lại các không gian màu đã được gán sẵn trước trong menu OSD của màn hình. Và thực sự trên thị trường không có nhiều màn hình đồ hoạ có remote điều khiển rời, rất may là điều này không xảy ra với màn hình SW2700PT của BenQ.

    [​IMG]
    Dù tôi không thực sự cần phải thay đổi không gian màu nhiều nhưng dù sao có remote điều khiển OSD vẫn là điểm cộng lớn dành cho SW2700PT.

    Hệ thống làm việc của tôi

    Không như nhiều nhiếp ảnh gia khác, tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi làm việc trên một màn hình. Dù cho màn hình đó có to lớn cỡ nào thì tôi vẫn cảm thấy chưa đủ lớn cả. Và vì thế hệ thống làm việc của tôi cần đến ba màn hình. Có lẽ điều này đối với nhiều người được xem là thừa thãi nhưng dù sao tôi vẫn sẽ cho bạn thấy hệ thống làm việc của tôi như thế nào.

    [​IMG]
    Ở chính giữa hệ thống màn hình của tôi là chiếc Wacom Cintiq 27″ QHD. Lý do mà tôi đặt nó ở chính giữa và hai bên là hai màn hình SW2700PT của BenQ là vì tôi thường xuyên thao tác chỉnh sửa ảnh và phim trên màn hình của Wacom thông qua bút cảm ứng. Để kiểm tra màu sắc thì tôi sẽ di chuyển hình ảnh hay phim đang chỉnh sửa sang một trong hai màn hình này, đơn giản là vì màn hình của BenQ có độ chính xác màu và độ sáng tốt hơn so với màn hình của Wacom. Cả ba màn hình này đều được treo tường bằng giá treo Ergotron kết nối trực tiếp vào bàn làm việc của tôi. Nó cho phép tôi có thể tự do điều chỉnh độ cao, góc nhìn, thậm chí là xoay chân đế của màn hình tuỳ theo nhu cầu sử dụng của mình. Khi tôi bắt đầu chỉnh sửa ảnh, tôi sẽ kéo cả ba màn hình sát lại gần nhau để tạo không gian tương tự như thực tế ảo, tận dụng lợi thế hỗ trợ làm việc đa màn hình của các phần mềm chỉnh sửa ảnh như Adobe Lightroom hay Photoshop. Còn khi tôi đang viết blog, gửi thư điện tử hay lướt web, cả ba màn hình đều được đẩy ra xa gần tường, giúp tôi làm việc đa nhiệm dễ dàng hơn.

    Lời kết

    Sau khi sử dụng cặp màn hình SW2700PT được nhiều tháng, tôi cực kỳ ấn tượng với sản phẩm này của BenQ. Trước đây tôi đã từng rất hài lòng khi sử dụng dòng màn hình Ultra Sharp của Dell cũng như Pro Art của ASUS, và bây giờ SW2700PT của BenQ nhanh chóng lọt vào danh sách màn hình yêu thích của tôi. Tấm nền IPS của nó cho ra góc nhìn rất tuyệt vời, khả năng phổ màu rộng (sRGB 100% và AdobeRGB 99%) là không phải bàn cãi và độ phân giải cao QHD 2560x1440 trên màn hình 27" thể hiện chi tiết rất tốt. Ngoài ra, SW2700PT còn tạo nên sự khác biệt với các màn hình đối thủ khi sử dụng bảng LUT 3D 14 bit, chip xử lý ảnh tích hợp dành cho việc cân chỉnh màu sắc và lưu giữ profile màu, remote điều khiển OSD giúp chuyển đổi không gian màu nhanh và giao diện menu OSD rất thân thiện với người dùng.

    [​IMG]
    Dù bạn là người dùng Mac hay PC, không có bất kỳ ứng dụng nào của bạn gặp vấn đề trong việc hiển thị trên màn hình độ phân giải cao như SW2700PT. Nếu như bạn sở hữu thiết bị đo màu như X-Rite i1 Display Pro trong tay, màu sắc hiển thị trên SW2700PT chắc chắn sẽ được đảm bảo trong vòng nhiều năm sử dụng ở chất lượng tốt nhất từ khi xuất xưởng của nó.

    Tuy nhiên, như đã nói ở phần đầu bài viết, vẫn còn nhiều nhiếp ảnh gia xem vai trò của màn hình như bộ lọc hay chân đế máy ảnh. Chúng ta có thể vô tư bỏ ra 2000 USD cho một chiếc máy chụp hình DSLR hay 1200 USD cho một ống kính nhưng lại ngại ngùng lăn tăn khi mang về màn hình chất lượng cao dành cho việc chỉnh sửa ảnh. Tại sao lại như vậy? Tôi cũng không rõ nữa. Có được màn hình có khả năng hiển thị màu sắc bức ảnh chính xác được xem yếu tố quan trọng hàng đầu trong công việc nhiếp ảnh của tôi. Vì vậy, nếu bạn là đối tượng người dùng như tôi thì tôi thành thực khuyên bạn nên mang về màn hình đồ hoạ chuyên nghiệp BenQ SW2700PT, bạn sẽ không thất vọng đâu!​
     

    Các file đính kèm:

    • slide.jpg
      slide.jpg
      Kích thước:
      152.2 KB
      Đọc:
      30,021
    :
    Chỉnh sửa cuối: 27/12/17
  2. lunglinh581

    lunglinh581 New Member

    Bài viết:
    3
    Bài viết hữu ích. Các màn hình tiêu chuẩn hay thiết bị di động phổ biến hiện nay đa phần đều hỗ trợ ít nhất 70% hai không gian màu
     

Chia sẻ trang này