Quán chè nóng đông khách trên vỉa hè Chỗ ngồi chỉ là những chiếc ghế nhựa nhỏ trên vỉa hè vậy mà quán chè nóng ở đây vẫn đông khách cho dù kim đồng hồ đã chỉ sang ngày mới. Nằm trên vỉa hè đường Lý Chính Thắng (quận 3, TP HCM), hàng chè nóng ở đây có thực đơn phong phú với hơn mười loại chè thường trực, tha hồ cho thực khách lựa chọn loại chè yêu thích của mình. Gọi là chè nóng không phải vì các loại chè bốc khói nóng hổi, đơn giản vì món chè ở đây không ăn chung với đá. Tuy nhiên, vì các loại chè ở đây được nấu ngọt một cách vừa phải nên không gây cảm giác ngán cho dù bạn có ăn hai hoặc ba chén đi nữa. Thực đơn của quán phong phú với hơn mười loại chè thường trực cho bạn lựa chọn. Bắt đầu bán từ 20h và kết thúc khi kim đồng hồ đã chỉ sang ngày mới, tuy nhiên quán lúc nào cũng đông khách, từ các em học sinh, các bạn trẻ cho đến các cô chú đã có tuổi. Quán bắt đầu bán từ 20h cho đến khuya với đủ các thành phần ghé ăn. Những loại chè thơm ngon bạn có thể thưởng thức như chè khoai môn nước cốt dừa, khoai môn chín mềm, bùi hòa trong cái béo vừa phải của nước cốt dừa ăn thật ngon miệng. Cũng không thể bỏ qua những viên trôi nước vừa tròn vừa mềm, thoang thoảng hương thơm của những hạt vừng thật quyến rũ. Đó còn là chén chè đậu xanh không đá nhưng vẫn mát lạnh... và còn rất nhiều loại chè hấp dẫn khác mà bạn không thể bỏ qua. [TABLE] [TR] [TD][/TD] [/TR] [TR] [TD]Quán có gần như đầy đủ các loại chè quen thuộc ở Sài Gòn như chè trôi nước, chè khoai môn, chè thưng, chè đậu xanh...[/TD] [/TR] [/TABLE] Không phải hiếm, nhưng để tìm ra được một quán chè nóng hợp khẩu vị, nơi có thể vừa tán gẫu cùng bạn bè vừa thưởng thức nhiều loại chè ngon trong cái thời tiết dịu mát của Sài Gòn khi đêm về quả thật là không dễ. Quán chè nóng trên đường Lý Chính Thắng là một địa chỉ gợi ý đáng để bạn tham khảo khi muốn thưởng thức các loại chè thơm ngon. Địa chỉ: Quán vỉa hè trước số nhà 50 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3, TP HCM. Quán bán từ 20h đến khuya, mỗi chén chè ở đây có giá 8.000 đồng.
Ốc bươu nhồi thịt, ăn một lúc mười con vẫn không đã Những chiếc vỏ ốc to đùng, được nhồi đầy thịt, ăn kèm với lá tía tô cùng chén nước chấm đậm đà cho bạn cảm giác ngon miệng và không ngán. Đây là món ăn mang hương vị Bắc nhưng đã được biến tấu cho phù hợp với khẩu vị của người Nam. Khi chế biến món ăn này, người Bắc thường hấp chung ốc với lá gừng để món ăn có vị cay và thơm, tuy nhiên, người Nam đã thay thế bằng sả, hương thơm của sả thấm đẫm vào trong thịt ốc khi hấp chín làm tăng thêm hương vị cho món ăn.Mặc dù chỉ bán duy nhất một loại ốc bươu nhồi thịt, nhưng quán ốc đường Nguyễn Văn Giai (quận 1) luôn đông khách. Ngoài ra, đây còn là đại lý chuyên bỏ sỉ cho các nhà hàng, quán ăn ở Sài Gòn. Nhắc đến món này thì không thể bỏ qua quán ốc trên đường Nguyễn Văn Giai (quận 1). Chỉ bán duy nhất một loại ốc bươu nhồi thịt nhưng quán đã tồn tại hơn mười năm nay và trở thành địa điểm quen thuộc của những tín đồ trót mê hương vị thơm ngon, đậm đà của món ăn này. Những con ốc bươu nhồi thịt ở đây luôn được thực khách đánh giá cao về hương vị thơm ngon và sự hấp dẫn của nó. Theo chị chủ quán, món ăn này có thành phần đơn giản, không khó chế biến nhưng sự tỉ mỉ và cẩn thận thì không thừa. Ốc bươu sau khi mua về, được ngâm trong nước vo gạo cho hết nhớt, rửa lại bằng nước sạch rồi đem luộc chín. Vớt ốc ra, loại bỏ phần ruột ốc để tránh mùi bùn, phần thịt rửa lại với nước cốt chanh pha chút muối. Vỏ ốc chần qua nước sôi, để ráo. Ốc bươu nhồi thịt là món ăn của người Bắc đã được biến tấu cho phù hợp với hương vị của người Nam. Phần nhân nhồi trong vỏ ốc được chế biến từ thịt ốc luộc chín, thái lát mỏng, trộn chung với hỗn hợp thịt băm, giò sống, nấm mèo được nêm gia vị vừa ăn. Sau khi chuẩn bị xong phần nhân, người bán vo thành từng viên nhỏ, quấn quanh một cọng sả nhỏ, nhét vào thân ốc và đem hấp chín. Món ăn tăng thêm hương vị cay nồng khi được điểm xuyết thêm một vài lát ớt mỏng. Món này ngon nhất khi dùng nóng, vị ngọt của phần nhân hòa cùng với hương thơm của sả thật quyến rũ. Chén nước mắm gừng được pha hơi sền sệt, cùng các loại rau ăn kèm như tía tô, rau răm vừa giúp giải hàn vừa làm cho món ăn thêm đậm đà và không cho cảm giác ngán.Món ốc bươu nhồi thịt sẽ tăng thêm hương vị khi được ăn kèm với lá tía tô cùng chén nước mắm gừng. Nếu bạn chưa thưởng thức món ốc thơm ngon này có thể ghé đến địa chỉ 23 Nguyễn Văn Giai, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM. Quán mở cửa từ 15h đến khoảng 20h hằng ngày. Mỗi con ốc hiện nay có giá 5.000 đồng.
nếu muốn ăn gần khu Q3, thì ở Kỳ Đồng bún riêu ốc là nhiều vô số luôn, có 1 quán trong hẻm lớn rất là đông khách, quán gồm mấy căn liên tiếp luôn, địa chỉ k nhớ lắm vì được bạn dẫn đi :014:
Địa chỉ ăn cơm tấm, cơm gà, phở ngon mà không đắt ở TP.HCM Đảm bảo là ăn tại các địa chỉ này bạn sẽ rất muốn quay lại lần nữa vì vừa ngon, vừa sạch lại "hạt dẻ". Lấy giấy bút ghi ngay địa chỉ này vào sổ tay cá nhân nhé! Do điều kiện công việc và thời gian không cho phép bạn chuẩn bị những bữa ăn sáng hay ăn trưa tại nhà cho gia đình. Cơm hàng quả là một lựa chọn không tồi. Nhưng ăn ở đâu để được ăn ngon, sạch mà lại không mất nhiều tiền? Cơm tấm: Tại Quận 1: 1. (Cơm phần) Quán cơm Việt Nam, nằm ngay ngã ba Lê Thị Riêng - Nguyễn Văn Tráng. Quán nấu theo kiểu người nam, chỉ bán buổi trưa xong là nghỉ, khách yêu cầu ăn gì mới bắt đầu nấu nên chờ hơi lâu, chủ yếu là cơm phần, giá cả 2 người 3 món khoảng 70k. 2 . Quán Kiều Giang ở đường Trần Quang Khải, cơm tấm khá ngon, giá cả hợp lí 3. Cơm tấm: quán nằm bên tay phải trong hẻm 68 Trần Quang Khải, ngon và giá rẻ, chuyên bì chả. Tại Quận 3: Cơm Tấm Trần Quí Cáp: ngay đưởng Võ Văn Tần, gần chỗ ngã tư Nguyễn Thượng Hiền. Tại Quận 10: Cơm tấm Vĩnh Viễn. Ngã tư Nguyễn Tri Phương với Vĩnh Viễn, Q10 chạy vào sâu một chút (không phải quán ở ngoài đầu đường). Rất ngon và rẻ. Quận Phú Nhuận: Cơm Tấm Ba Ghiền nằm trên đường Đặng Văn Ngữ, đi Lê Văn Sỹ ra Hướng Lăng Cha Cả quẹo phải vào Đặng Văn Ngữ , khoảng 30m là tới. Điểm yếu duy nhất của quán là quá đông nên phục vụ đôi lúc thiếu chu đáo . Ở đây miếng sườn to , được nướng nóng hôi hổi, ướp gia vị rất tuyệt, không quá ngọt, rất vừa miệng, không bị khô vì sườn sau khi nưóng được đảo sơ qua dầu. Cơm Gà: Quận 3: Cơm gà Thượng Hải trên Võ Văn Tần ngay ngã 3 Võ Văn Tần với Trần Quốc Thảo Q3, ngon nhưng hơi đắt một chút : 3 người hết hơn 200.000 đ Quận 10: Cơm gà Hải Nam trên đương Nguyễn Tri Phương , nấu kiểu Sing ăn ngon. Địa chỉ: 379-379 BIS Nguyễn Tri Phương, P.5, Q.10, TP. HCM Quận 5: 1.Quán cơm gà Đông Nguyên (đường Châu Văn Liêm Quận 5) rất ngon, có canh nấu có thuốc bắc hay táo tàu. 2. Quán cơm gà Đông Nguyên, nằm ở ngã tư Nguyễn Trãi - Châu Văn Liêm, Q5, bán rất nhiều món, nhưng ngon nhất là cơm gà luộc và cơm gà chiên, canh hầm thuốc bắc thì đa dạng. 3. Cơm gà xối mỡ: quán Lão Hương Thân, góc đường Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo, Q5. Quận Tân Bình: Cơm gà Hồng Phát Hoàng Văn Thụ. Từ ngã tư bảy hiền đi vào Hòang Văn Thụ vài trăm mét là tới. Trung bình mỗi người 14000 đ-20000 đphở, bún, mì, hủ tiếu... Phở, mỳ, hủ tiếu... Quận 1: 1. Phở Bình ở Nguyễn Thị Minh Khai (nằm giữa Mạc Đĩnh Chi và Đinh Tiên Hoàng), phở ở đây ngon và giá mềm hơn những chỗ khác. 2. Quán phở Việt Kiều nằm trên đường Phan Bội Châu - gần ngã tư Bạch Đằng và Phan Bội Châu (cách quán Phú Hương khoảng 200m). Giá cả vừa phải 3. Hủ tiếu Kim Tháp số 475 Nhật Tảo, giá 15.000đ/tô, cũng là một địa chỉ khá quen thuộc và luôn đông khách. 4. Hủ tiếu xào ở góc đường Đề Thám, Cô Giang, bán vào buổi tối. Giá rất bình dân, 8000/dĩa, ngoài ra có món phèo xào cải chua dưa cay ngon. Quận 3: 1. Phở Lệ ở Nguyễn Trãi và Võ Văn Tần: nước lèo và bò viên ngon, thịt bò mềm. 303-305 Võ Văn Tần, P.5, Q.3, TP.Hồ Chí Minh. Tel: (08) 8344486 2. Phở Bình LCT: Quán Phở Bình tuy không lớn lắm nhưng là một quán phở khá nổi tiếng trong nhiều năm qua. Quán đã có từ lâu đời và cũng được xem là di tích lịch sử. Nhiều món hấp dẫn như: phở xào dòn, xào mềm, áp chảo kho, áp chảo nước,.. 3. Phở hương vị Bắc của Quán Dậu ở khu cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 được dân sành ăn phở của Sài Gòn cho là ngon nhất. 4. Phở Phú Gia - Lý Chính Thắng (cách ngã 4 LCT- Trần QuốcThảo khoảng 200m): đây là quán phở Bắc rất đặc biệt: 15.000đ/ tô thường; 18.000đ/ tái lăn; 20.000đ/ tô đặc biệt. Đặc điểm hành không cắt nhỏ mà để dài cọng xoắn (giống phở Gia Truyền ở phố Bát Đàn Hà Nội), có thể xin thêm bát hành sống, nưóc phở rất ngon và thơm mùi gừng. Gửi xe không mất tiền, có trà Bắc nóng tráng miệng. Giờ kinh doanh: sáng 6g - 8g30, chiều khoảng 17 giờ.
Bánh lọt xào, ăn một lần nhớ mãi Món bánh lọt xào khi dùng nóng sẽ cảm nhận hết vị tươi ngon từ thịt tôm băm, vị ngọt từ rau hẹ, giá, và hương vị thơm phức từ bánh lọt đã chiên vàng. Món ăn mang hương vị thơm ngon đặc trưng từ xứ sở chùa tháp. Bánh lọt là món ăn chơi đặc trưng từ xứ sở chùa tháp Campuchia được du nhập vào Việt Nam. Nguyên liệu để có món bánh lọt xào ngon gồm sợi bánh lọt ngắn, mềm dễ nuốt, được làm thành sợi bằng bột gạo cùng ít bột năng. Gạo xay bột rồi khuấy đều cùng bột năng trên bếp để lửa nhỏ cho bột chín đặc. Sau đó, ép bột xuống rổ thưa hoặc nồi hấp có lỗ tròn chảy xuống chậu nước lạnh. Sợi bột gặp lạnh đông lại, vớt ra. Ngoài ra còn có các thành phần để làm nên bón bánh lọt xào thơm ngon như: trứng gà hay vịt đều được, màu dứa dùng để trộn vào bột cho có màu đẹp mắt, giá hẹ, tôm tươi hoặc có thể thay thế là bò tùy theo sở thích, lạc rang vàng, hành lá, chanh tỏi ớt, và các gia vị nêm… Tôm tươi mua về rửa sạch, bóc vỏ, để ráo, cho tôm vào một cái chén băm nhuyễn, ướp với một chút muối, đường, bột nêm. Sau đó mang tôm xào với hành lá để có mùi thơm. Hoặc nếu bạn thích ăn bò thì cũng có thể mua phi lê bò về băm nhuyễn. Giá ngắt đuôi, hẹ cắt khúc vừa ăn để khi xào chung với bánh lọt sẽ có được màu sắc đẹp, và hấp dẫn hơn cho món. Băm tỏi, ớt, pha ít đường cát, chanh, và nước mắm ngon để làm hỗn hợp nước chấm chua ngọt, hoặc dùng kèm với tương ớt sẽ rất phù hợp. Bắt chảo lên bếp, vặn lửa để chảo nóng, cho một muỗng dầu, phi tỏi thơm, cho tôm vào xào. Tôm gần chín, cho giá và đậu vào xào chung, xong trút phần nguyên liệu này ra đĩa. Kế đến, bạn cho một muỗng dầu vào chảo, cho phần bánh lọt đã trộn với nước màu dứa rồi xào khoảng 5 phút, bánh sẽ chín vàng thơm. Cuối cùng, bạn cho tất cả phần nguyên liệu tôm đã xào chung với hẹ vào xào cùng với bánh và nêm một gia vị cho vừa ăn, đập một hoặc hai cái trứng gà (hoặc trứng vịt) lên hỗn hợp vừa xào xong, chờ chín vàng rồi tắt bếp. Xúc bánh lọt xào ra đĩa, rắc một ít lạc rang vàng, và dùng nóng với tương ớt hoặc nước chấm chua ngọt đều rất ngon. Các nguyên liệu tươi ngon, đậm chất. Món ăn này có mặt ở một vài tỉnh miền Tây Nam bộ như Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Ở Sài Gòn, món được bán một tại vài nơi có người Campuchia, hoặc người miền Tây Nam bộ sinh sống. Anh Hữu Phương, chủ quán bán những món ăn miền Tây, trong đó có món bánh lọt xào chia sẻ: "Đây là món ăn khá lạ so với người dân Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu như bạn từng thưởng thức món bánh lọt xào qua một lần, chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng thơm ngon". Nếu bạn muốn đổi khẩu vị vừa ngon vừa lạ, bạn có thể đến quán ăn số 19, đường Cây Keo, quận Tân Phú, hoặc một quán ăn vỉa hè của người Campuchia trên đường Hồ Thị Kỷ quận 10 (gần chợ Hồ Thị Kỷ) để thưởng thức món ăn thơm ngon này.
Vào hẻm tìm tiệm cơm gà danh tiếng Nghe cả nhóm yêu cầu quán ăn với các tiêu chí: gần, ngon, rẻ, không gian thoải mái, anh bạn "chuyên gia ẩm thực" của nhóm sau vài giây đã quyết định quán cơm gà nổi tiếng ở đường Lý Thường Kiệt. Gà hấp muối, món tạo nên thương hiệu của quán. Trong cuộc gặp mặt đông đủ nhất các thành viên từ sau Tết, cả nhóm quyết định sẽ có một bữa ăn đánh dấu năm mới. Ít người nhưng người nào cũng có lý do và công việc riêng nên tiêu chí chọn địa điểm cũng nhiêu khê không kém, bởi nó phải hợp với tất cả mọi người. Sau một cuộc thảo luận nhỏ, tiêu chí của điểm đến cũng được quyết định gồm 4 yếu tố: gần, ngon, rẻ, ấm cúng. Nghe chúng tôi “ra giá”, nam nhân lớn tuổi, người sành ăn nhất nhóm bóp trán suy nghĩ trong 30 giây và cơm gà Truyền Ký được chọn. “Có ngon không thì có thể minh chứng từ việc từ một quán xập xệ ban đầu, hiện nay đã cất thành một căn nhà mấy tầng”, lời khẳng định của anh khiến cả nhóm càng phấn khởi. Như một quy tắc ngầm của ẩm thực Sài thành, món ăn ngon không chỉ đến từ quán sang, và quán ngon không phải luôn nằm ở những con đường lớn. Cơm gà Truyền Ký cũng vậy, nó ẩn trong một con hẻm sâu, nhỏ, hơi u ám của người Hoa ở một hẻm trên đường Lý Thường Kiệt (quận 5). Con hẻm mà nếu cho địa chỉ thì nếu chỉ được xếp vào tầm hơi hơi rành đường Sài Gòn, bạn sẽ tốn không ít thời gian và nước bọt (để hỏi đường) mới tìm ra. Không biết quán không có thực đơn hay là khách hàng quen nên ngay khi yên vị, anh bạn đã đọc vanh vách tên món ăn và cậu bé phục vụ cũng không phải ghi hay đánh dấu, mà chỉ gật đầu rồi chạy biến đi. Khi câu chuyện trong nhóm bắt đầu rôm rả, thì những món ăn nóng hổi cũng được đưa ra. Gà hấp muối, món ăn làm nên thương hiệu của quán ghi điểm với những miếng thịt gà luộc trắng phau và da vàng ươm đẹp mắt. Khi thưởng thức, ngoài cái dai, ngọt, đậm đà của loại thịt được xếp vào loại cao cấp, còn quấn quýt vị mặn nhẹ của muối, cái béo mềm của dầu. Sự kết đôi kỳ lạ của khoai môn và thịt xá xíu mang đến những trải nghiệm thú vị. Món thịt xá xíu của quán lại khiến chúng tôi bất ngờ và ngạc nhiên với sự sánh đôi kỳ lạ của màu tím phớt của khoai môn và cái màu hồng ửng của thịt xá xíu. Sự kết đôi tưởng như không có tẹo liên quan nào này giúp món ăn tròn vị hơn vì vị mặn, cái béo của những miếng thịt xá xíu được khoai môn "gọt" bớt đi, nên đỡ gai góc và ít ngán hơn. Song bất ngờ nhất lại là món trứng ba màu. Tên gọi và cái màu đen xuất hiện trong đĩa trứng khiến người ta liên tưởng đến món nấm mèo, thế nhưng khi thưởng thức, màu đen ấy lại là những miếng trứng bắp thảo đậm vị, thơm thơm. Cứ thế kết hợp với hai màu cơ bản của lòng đỏ và lòng trắng mang đến trải nghiệm lạ lẫm và thích thú. Nếu thích món chiên, bạn có thể thử món khấu linh chiên với vị giòn, cái dai nhẹ lạ miệng và rất Hoa. Thoạt trông như nấm mèo nhưng những mảng đen trong phần trứng 3 màu lại là trứng vịt bắc thảo với vị thơm, cái đậm đà khó cưỡng. Khấu linh chiên thích hợp với những người thích nhấm nháp vị giòn, thơm. Dù rất thích nhưng tôi vẫn trừ một điểm khá lớn cho bữa ăn. Đó là việc gần như không có sự hiện diện của rau trong món ăn cùng thực đơn khá nghèo nàn các món rau. Với thực khách nam, điều này không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bữa ăn,nhưng với khách nữ, thì đó là vấn đề. Cái thứ hai là bữa ăn ấy cũng chẳng được xếp vào hàng rẻ, vì giá tương đương với nhà hàng tầm trung. Địa chỉ: Tiệm cơm Truyền Ký, 63/21 Lý Thường Kiệt, P.7. Q.11, TP. HCM.
Cháo sườn non hấp dẫn bên lề đường Bát cháo trắng tinh cùng với những miếng sườn non thơm ngon khi ăn hết vẫn còn thòm thèm. Nằm đối diện chợ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP. HCM), một trong những khu phố nhộn nhịp nhất của Sài Gòn, có một hàng cháo vỉa hè chỉ bán duy nhất cháo sườn nhưng thu hút rất đông thực khách. Bát cháo trắng tinh cùng những miếng sườn non thơm ngon. Vì là hàng vỉa hè nên quán đơn giản với vài chiếc ghế nhỏ cho khách ngồi, một nồi cháo to đùng, bát thịt băm cùng hành, ngò, nước chắm… tất cả được cho lên một chiếc xe đẩy nhỏ. Hàng cháo này chỉ mới xuất hiện khoảng hơn một năm trước, nhưng cứ vào giờ tan tầm cho đến cuối ngày, quán lúc nào cũng đông khách. Bạn có thể gọi thêm giò chéo quẩy nếu muốn. Bát cháo trắng mươn mướt, sánh lại như hồ, lấp ló vài miếng sườn nho nhỏ hồng hồng, nghi ngút khói, thêm một ít tiêu và hành mùi càng dậy mùi thơm phức, cùng với đó là mùi thơm béo bốc lên làm bạn không thể nào không đói cồn cào. Chủ quán rất tinh tế khi dưới mỗi bát cháo luôn được lót một chiếc khăn nhỏ để thực khách không bị nóng tay khi bưng ăn. Ăn một thìa cháo, cứ thấy ngọt dịu trong cổ họng. Cái ngọt từ xương, từ thịt, từ hạt gạo chứ không phải cái ngọt lợ của bột ngọt hay đường. Theo bà Hào, chủ hàng cháo, bí quyết để có nồi cháo ngon cũng không khó khăn gì, nhưng nó đòi hỏi sự cần mẫn của người chế biến. Sườn nấu cháo phải chọn loại sườn non được ninh nhừ để thịt mềm nhưng không bị nát. Gạo nấu cháo chọn loại gạo thơm, dẻo được ninh nhừ với nước hầm sườn heo nên khi ăn cháo có vị ngọt tự nhiên của nước hầm xương. Theo những thực khách ăn ở đây, phần hấp dẫn nhất của bát cháo chính là sườn non. Chỉ khẽ chạm chiếc thìa vào đã thấy từng sớ thịt mềm tơi ra, cùng với cái giòn sần sật của sụn càng tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn. Rất nhiều thực khách ghé lại ăn hoặc mua về. Không nhiều và nổi tiếng như cháo lòng, cháo cá lóc, cháo gà nhưng cháo sườn ở đây vẫn có sức hấp dẫn riêng để thực khách tìm đến vào mỗi buổi chiều sau giờ tan tầm. Địa chỉ: Quán nằm trên vỉa hè, đối diện chợ Tân Định - đường Hai Bà Trưng (quận 1). Mỗi bát cháo ở đây có giá 15.000 đồng.
Bún mắm Lê Quang Định, đậm đà hương vị miền Tây Nước dùng đậm đà còn thơm hương vị của mắm, các nguyên liệu như tôm, mực, cá, thịt heo quay... luôn thơm ngon là điểm thu hút khách của quán. Nói đến bún mắm ở Sài Gòn, không thể bỏ qua quán bún mắm 444 ở đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, TP HCM), đây là một trong những địa chỉ quen thuộc của những người trót yêu cái vị đậm đà của món ăn bình dân này. Bún mắm là món ăn bình dân có nguồn gốc từ miền Tây Nam Bộ. Nước dùng được nấu từ các loại mắm như cá linh, các sặc, cá trèn... Không có gì đặc biệt trong thành phần món ăn, cũng với tôm, mực, cá, thịt heo quay... như bao quán khác ở Sài Gòn. Nhưng quán bún mắm ở đây luôn đông khách, nhất là vào giờ cao điểm, sẽ rất khó khăn để thực khách tìm được một chổ ngồi cho mình. Nước dùng là thành phần quan trọng nhất của món ăn này và đây chính là điểm thu hút thực khách của quán. Được nấu từ mắm các loài cá như: cá linh, cá sặc, cá lóc hay cá trèn cùng với bí quyết riêng của mình, nước dùng ở đây đã được gia giảm để tránh đi cái nặng mùi cũng như vị gắt của mắm, nhưng không làm mất đi cái đậm đà cùng hương vị đặc trưng của bún mắm. Nó phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn, không quá ngọt, quá mặn hay cay nhưng cũng không hề nhạt nhẽo. Những nguyên liệu ăn kèm ở đây luôn được đánh giá cao về chất lượng và số lượng. Bên cạnh nước dùng, các nguyên liệu ăn kèm ở đây như tôm, mực, cá, thịt heo quay... luôn được thực khách đánh giá cao về chất lượng cũng như số lượng. Ăn bún mắm không thể thiếu đĩa rau sống với nhiều thứ như rau đắng, bắp chuối, kèo nèo, cọng bông súng, húng thơm được chần sơ qua làm tăng thêm hương vị cho món ăn. Rau sống tăng thêm hương vị cho món ăn. Ngồi vào bàn gọi một bát bún mắm và thưởng thức, hương thơm đậm đà của nước dùng kích thích đến từng giác quan của bạn. Cái vị béo và đậm đà của nước dùng, ngọt của thịt cá, bùi bùi của cà tím, những lát mực giòn dai, thịt tôm mềm và ngọt cùng vị chua chua của chén mắm me ăn kèm làm cho món ăn thêm thú vị khiến bạn không thể dừng đũa được. Nhiều người ăn bún mắm vì thích cái hương vị đậm đà của nước dùng ở đây. Địa chỉ: Quán bún mắm 444 - 369 Lê Quang Định, phường 5, quận Bình Thạnh, TP HCM. Quán mở cửa từ 9h đến 21h hàng ngày. Mỗi bát bún mắm ở đây có giá 35.000 đồng.