Gỏi sứa bình dân nhưng ngon miệng Món ăn hấp dẫn bởi vị giòn, dai của sứa, giòn tan của bánh tráng nướng, tươi ngon của các loại rau, béo, thơm của đậu phộng và đậm đà của nước mắm. Vùng biển miền Trung phong phú và giàu tài nguyên, đã cung cấp cho người dân ở đây rất nhiều món ăn ngon miệng từ bình dân đến sang trọng. Trong những món ăn bình dị, dân dã ở đây, phải kể đến món gỏi sứa rẻ tiền nhưng rất ngon miệng, bổ, mát, được nhiều người ưa thích. Món ăn đơn giản, bình dị, thích hợp trong những ngày nắng nóng. Sứa biển là một loại thủy sản ruột khoang, thân có nhiều tua, thịt trong suốt, ăn hơi dai và giòn. Sứa để làm gỏi là loại nhỏ, có nhiều tua, màu trắng đục, mình dày, nhìn giống như cơm trái dừa nước. Loại sứa này sống trôi nổi theo từng con nước và thường được ngư dân vớt tận các đảo xa. Tùy theo khẩu vị của từng người mà có thể chế biến gỏi sứa thành nhiều cách khác nhau, gỏi sứa trộn với khế, chuối chát, cũng có thể trộn với xoài chua bằm sợi, hoặc bóp gỏi không với các loại rau như: rau răm, hành tây, hành lá... Thịt sứa ăn dai dai giòn giòn rất ngon và lạ miệng. Món ăn rất dễ chế biến và không mất nhiều thời gian. Sứa là một loài thân mềm, rất dễ tan chảy thành nước nên khi mua về, bạn cần ngâm sứa vào trong nước có pha lá ổi để sứa săn lại. Bên cạnh đó, cái vị chát của lá ổi cũng giúp loại bỏ mùi tanh của sứa. Sau khi ngâm xong, rửa sứa thật sạch, thái thành từng miếng nhỏ vừa ăn, chần qua nước ấm để sứa săn lại, vớt ra rổ và để ráo. Các nguyên liệu bóp gỏi như xoài, khế... rửa sạch, thái sợi. Trộn đều các nguyên liệu với sứa, hành tây, hành lá thái nhỏ, tiếp đến là nước mắm tỏi ớt pha chua ngọt. Sau cùng là các loại rau húng quế, húng thơm, rau răm thái nhỏ, bày ra đĩa, rắc lên bên trên một ít đậu phụng rang. Món gỏi sứa được ăn kèm với bánh tráng nướng. Bánh tráng nướng là nguyên liệu không thể thiếu khi ăn gỏi sứa. Bẻ miếng bánh tráng, xúc một ít gỏi, chấm vào chén nước mắm và thưởng thức, món ăn thơm ngon, hấp dẫn bởi cái giòn rụm của bánh tráng, thịt sứa dai, giòn, cùng với đó là vị chua của xoài, cái thơm ngon của các loại rau hòa quyện trong nước mắm đậm đà làm cho người ăn ngon miệng mà không cảm thấy ngấy. Ở Sài Gòn, gỏi sứa có bán nhiều ở các quán ăn miền Trung như quán Bún chả cá Lệ ở số 4 Đồng Nai, phường 15, quận 10 hoặc quán Faifo 139 Lê Thị Hồng Gấm, phường cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM. Mỗi đĩa gỏi sứa có giá từ khoảng 60.000 đồng.
Phở khô Gia Lai Nói đến ẩm thực Gia Lai phải nói đến phở khô. Người dân ở đây đã sáng tạo nên món ăn này và tự hào mang đến cho người thưởng thức một hương vị rất riêng. Phở khô còn có tên gọi khác là phở hai tô, đây là món ăn đặc trưng của người dân phố Núi. Phở có tên gọi hai tô là gồm một tô bánh phở và một tô nước súp. Khác với bánh phở của người Sài Gòn, phở khô có sợi nhỏ như sợi hủ tiếu gõ, nhưng săn và hơi dai, nhờ đó khi trộn chung với các loại gia vị khác, bánh phở sẽ không bị nát. Khi đem ra cho khách, bánh phở sẽ được chần chín và để riêng, một ít giá chần, hành phi và thịt lợn nạc băm nhuyễn được phủ đều lên. Nước súp được để riêng trong một tô, bạn có thể ăn với thịt bò tái, bò viên hoặc là thịt gà. Đặc biệt, nước súp của phở khô Gia Lai được làm không quá đậm đà và cũng không quá nhạt, nên khi ăn kèm với bánh phở bạn sẽ thấy rất vừa miệng. Khi ăn, bạn phải trộn đều bánh phở với tương ớt, tương đen, nước tương, ớt sa tế, một lát chanh, ớt trái. Rau ăn chung là xà lách, rau cần, giá chần và rau húng. Bạn có thể thưởng thức đặc sản của người dân phố núi tại quán phở Hồng - 71 Cửu Long, phường 15, quận 10, TP HCM.
Cháo sò huyết thơm ngon và bổ dưỡng ở Sài Gòn Món ăn giàu canxi và các dưỡng chất cần thiết giúp bổ máu, tăng cường sức khỏe. Món ăn đậm đà, thơm ngon và bổ dưỡng. Sò huyết được xếp vào loại hải sản bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe. Cháo sò huyết là món ăn vừa có giá trị dinh dưỡng cao, lại vừa là một trong những bài thuốc chữa bệnh. Chế biến món ăn này bằng cách phi thơm tỏi với dầu ăn và cho gạo vào xào cho săn lại, sau đó thêm một tô nước vào nấu cho đến khi gạo nở bung. Sò huyết tách vỏ lấy thịt và xào thịt sò huyết với tỏi cho vừa chín tới. Để có một bát cháo sò huyết ngon hợp khẩu vị, người nấu phải làm sao để sò phải giòn và mềm. Đây là món ăn cần phải nấu chín kỹ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Cháo sò huyết quyến rũ thực khách ở cái màu đỏ lạ của cháo - phần được gọi là máu của loại hải sản này tiết ra; màu xanh của hành ngò và của phần thịt sò huyết đỏ thẳm bên trong. Khi cháo chín, múc vào tô, rắc hành ngò, hành phi và tiêu cho thơm ngon. Cháo sò huyết sẽ rất tuyệt vời khi vừa ăn vừa thổi, để bạn có thể cảm nhận mùi thơm và vị ngon hấp dẫn riêng của món. Món ăn kèm với đĩa rau cải xanh cắt nhỏ, giá đỗ, kèm theo đó là một ít nước mắm ngon, thêm một ít ớt cay và lát chanh chua. Để thưởng thức món cháo sò huyết thơm ngon và bổ dưỡng, bạn có thể ghé số 318, đường Hoàng Sa, quận Tân Bình, TP HCM.
Đủ món bình dân phố biển Nha Trang ở Sài Gòn Bún cá dầm, bánh ướt, bánh căn... là những món ăn quen thuộc của người dân thành phố biển Nha Trang được ưa thích tại Sài Gòn. Thành phố biển Nha Trang xinh đẹp cuốn hút du khách với phong cảnh đẹp, những bãi biển trong xanh đầy nắng. Ngoài ra, đây còn là một địa điểm hấp dẫn về ẩm thực với những món ngon rất bình dị, mộc mạc. Theo chân những người con của đất Nha Trang - Khánh Hòa vào Sài Gòn lập nghiệp, những món ăn bình dân của phố Biển đã dần quen thuộc, góp phần làm sinh động, phong phú thêm bức tranh ẩm thực đa sắc của Sài Gòn. Bún sứa, cá dầm Bún sứa là món ăn ngon, đặc sản của người dân phố Biển. Thành phần chính của bún là sứa. Sứa để làm bún là loại nhỏ bằng đầu ngón tay cái, màu trắng đục, nhìn giống như cơm trái dừa nước. Ngoài sứa, trong bát bún còn có chả cá, cá dầm. Đến Nha Trang, bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn bình dân này trên vỉa hè các con đường ở đây. Chả được làm từ các loại như cá thu, cá nhồng, cá mối, cá cờ... lóc xương lấy thịt quết đến nhuyễn và dai, sau đó vo thành viên nhỏ rồi hấp chín. Cá dầm được làm sạch, luộc chín, bỏ da và xương, thịt cá được thái thành từng khúc vừa ăn. Nước dùng được nấu bằng các loại cá tươi nên có vị ngọt thanh đặc trưng, không gây cảm giác ngấy. Bạn sẽ thấy thêm ngon khi ăn kèm với rau sống đủ loại, như xà lách, giá, rau thơm… Không chỉ người con của thành phố biển Nha Trang, mà những người dân ở các vùng khác, đã một lần thưởng thức món bún sứa thì không thể nào cưỡng lại sức hấp dẫn tự nhiên của món ăn bình dị đó. Bánh ướt Nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất là bánh ướt Diên Khánh, một huyện giáp ranh với thành phố Nha Trang. Bánh ướt có thành phần tương tự như bánh cuốn miền Bắc, chỉ khác là bánh cuốn có nhân, bánh ướt thì không nhân. Bánh ướt Diên Khánh đơn giản với bánh và chén nước chấm hơi ngọt. Nguyên liệu chính làm bánh ướt là bột gạo pha chung với một ít bột lọc để khi tráng bánh mỏng nhưng không bị rách, bánh vừa mềm và hơi dai. Bột sau khi pha được tráng thành một lớp mỏng trên lớp màng vải mỏng được căng trên một nồi hơi. Quá trình hấp bột sẽ tạo thành một màng mỏng gọi là bánh, thời gian hấp từ 1 đến 2 phút tùy độ dày của bánh. Người dân Khánh Hòa thường ăn bánh ướt không với nước mắm chua ngọt, tuy nhiên, bạn có thể thưởng thức món ăn này với thịt nướng, thịt heo quay, lòng heo, tôm, nem... Bánh bèo Bánh bèo là một loại bánh bình dân rất được ưa thích ở Nha Trang. Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo. Gạo sau khi xay thành bột mịn, người thợ pha vào một ít nước lọc để bột lỏng nhưng vẫn giữ được độ dẻo nhất định. Không như bánh bèo chén của xứ Huế, bánh bèo Nha Trang nhìn bé xíu, máu trắng tinh rất đẹp mắt. Người thợ đổ bột vào những chiếc khuôn bánh nhỏ và đem hấp. Trong quá trình hấp phải canh lửa thật lớn, để bánh chín đều, mềm và dẻo. Ăn bánh bèo không thể thiếu tôm cháy. Màu vàng của tôm tăng thêm sự đẹp mắt, thơm ngon cho món ăn. Tôm mua về được làm sạch, luộc chín, bóc bỏ vỏ, cho phần thịt vào giã thật nhuyễn. Làm nóng chảo trên bếp, cho tôm đã giã nhuyễn vào và cháy đều đến khi tôm mịn và khô rang là được. Bánh bèo hấp dẫn với màu trắng của bột gạo, màu vàng rộm của tôm cháy sẽ tròn vị hơn với chén nước mắm ngọt cay xé lưỡi, là chất xúc tác làm cho món ăn dân dã này trở nên ngon miệng. Bánh đập thịt nướng Nói đến bánh đập, không người dân Khánh Hòa nào không biết. Món ăn là sự kết hợp giữa bánh tráng nướng, bánh ướt, ăn kèm với thịt nướng hoặc bạn có thể ăn với thịt luộc hay lòng lợn... Ăn bánh đập không thể thiếu chén mắm nêm với vị cay đặc trưng của người dân miền biển. Bánh đập được ưa thích vì sự đơn giản nhưng ngon miệng của nó. Ghép một miếng bánh tráng nướng và bánh ướt lại, thoa lên bề mặt một ít mỡ hành, tôm cháy, sau cùng là thịt nướng hay thịt luộc... gập đôi, chấm vào chén mắm nêm và thưởng thức. Cái giòn rụm của bánh tráng, cái mềm dẻo của bánh ướt hòa quyện vào nhau trong cái đậm đà của mắm nêm, miếng thịt nướng chín vàng, thơm phức đem lại cảm giác ngon miệng rất thích thú. Bún cá ngừ Bún cá ngừ um là món ăn bình dân của người dân miền Trung. Tuy không quá cầu kỳ nhưng lại là một món ăn hấp dẫn mà những ai đã ăn một lần thì không bao giờ quên được cái vị đậm đà và cay nồng của nó. Đây là đặc sản nối tiếng của Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung. Món ăn này được chế biến rất đơn giản, vài lát cá tươi, hành tây thái mỏng, ớt trái. Cho tất cả các nguyên liệu đó vào nồi và đặt lên bếp, để lửa hơi lớn. Sau khi thấy nồi cá sôi thì cho nhỏ lửa để gia vị thấm đều vào từng thớ thịt cá. Một đĩa rau gồm xà lách, bắp chuối thái mỏng, vài cọng húng quế, giá sống, đĩa bún tươi, chén ớt xanh... Cho một ít bún tươi vào chén, một lát cá ngừ, một ít rau sống, chan nước cá vào và thưởng thức. Vị hơi chua của nước dùng, vị cay nồng của ớt, thêm một miếng cá ngừ vừa thơm vừa béo cùng bún tươi và rau sống. Món ăn ngon nhưng cay xé lưỡi làm cho bạn vừa ăn vừa hít hà và không bao giờ quên được. Bánh căn Đây là một loại bánh rất nổi tiếng của các tỉnh ven biển miền Trung, có hình dáng gần giống với chiếc bánh khọt của người miền Nam. Nguyên liệu chính để làm bánh căn là gạo. Gạo được ngâm mềm, xay thành bột và đổ chín trên những chiếc khuôn bánh bằng đất nung. Sự phong phú về nhân bánh là điểm thu hút người ăn của món bánh dân dã này. Nhân của bánh căn rất phong phú và đa dạng, có nhiều loại như: thịt, trứng, nấm, mực, tôm... mỗi loại nhân mang đến cho người ăn cảm giác ngon miệng khác nhau. Bên cạnh sự phong phú về các loại nhân, nước chấm cũng là một điểm hấp dẫn của món ăn này. Nước chấm có màu đỏ tươi, được pha hơi sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng. Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh thái thành sợi nhỏ. Khi ăn bánh căn, người Nha Trang thường cho bánh vào trong chén, cho vào các loại rau, chan nước chấm vào, trộn đều và thưởng thức. Ở Sài Gòn, bạn có thể ghé quán Khoái - 3A Lê Quý Đôn, phường 6, quận 3 để thưởng thức những món ăn ngon của phố biển. Mặc dù là một quán ăn sang trọng nhưng những món ăn ở đây có mức giá vừa phải với từ 40.000 đồng đến 65.000 đồng cho một món ăn ngon. Quán mở cửa từ 7h đến 22h hằng ngày.
Miến cua, miến lươn ở Sài Gòn Miến cua, miến lươn... là những món ăn bình dị được nhiều người ưa thích vì hương vị thơm ngon của mình. Miến là nguyên liệu quen thuộc để chế biến nên nhiều món ăn bình dân nhưng rất ngon miệng. Có thể kể ra đây nhiều loại miến ngon được nhiều người ưa thích như: miến lươn, miến cua, miến gà... Miến cua Có nguồn gốc từ Hải Phòng, miến cua là món ăn ngon mà ai đã ăn một lần sẽ không thể quên được vị ngọt thanh của nước dùng, thịt cua mềm, thơm ngon cùng sợi miến dai dai làm bạn thích mê khi thưởng thức. Bát miến đơn giản với miến, thịt cua và một ít rau hành làm tăng thêm hương vị cho món ăn. Thành phần của món ăn đơn giản với cua và miến, cua nhất thiết phải là cua biển, còn tươi. Cua được rửa sạch, cho vào nồi và luộc chín. Bóc vỏ cua lấy gạch và thịt. Phần vỏ được giã nhuyễn để nấu nước dùng. Ngoài phần thịt cua thơm ngon thì nước dùng là một thành phần quan trọng không kém làm nên chất lượng món ăn. Nước dùng được nấu từ cua và nước hầm xương để có vị ngọt tự nhiên rất đặc biệt và thơm mùi cua. Ăn miến cua cảm nhận cái dai dai của sợi miến dong đặc trưng, thịt cua mềm, ngọt, nước dùng trong, đậm đà rất vừa miệng. Đặc biệt là không thể thiếu rau răm, chính cái vị thơm của rau răm làm cho vị tanh của cua dịu đi, giúp bạn cảm thấy thêm ngon miệng. Nếu muốn thưởng thức món này, bạn có thể ghé đến quán ăn ở địa chỉ 14 - 16 Phan Đăng Lưu, phường 6, quận Bình Thạnh, TP HCM. Quán bán từ 6h đến 10h hằng ngày, mỗi bát có giá 40.000 đồng. Miến lươn Món ăn đúng như tên gọi, chỉ bao gồm miến và lươn. Lươn được chiên giòn, có kích thước lớn hơn đầu đũa một tí. Khi ăn món này bạn có thể thưởng thức miến lươn trộn và miến lươn nước. Miến lươn trộn tương tự như món hủ tiếu khô của người miền Nam. Những sợi miến được chần qua nước sôi, được trộn đều với gia vị, cho lên trên một ít lươn chiên giòn, ăn kèm với các loại rau: kinh giới, tía tô, húng thơm...cùng tương ớt Bắc và một chén nước dùng. Miến lươn nước là món ăn được nhiều người ưa thích, vì nó thể hiện được hết cái thơm ngon, tinh túy của món ăn. Ngoài thành phần miến và lươn thì nước dùng của món ăn này luôn được đánh giá rất cao. Nước dùng trong, không có mỡ, lại có vị ngọt thanh rất đặc biệt. Đem cái tò mò hỏi chủ quán thì được anh cho biết nước dùng muốn ngon phải được nấu từ nước hầm xương heo, xương gà và xương lươn, đun sôi thật lâu và vớt bọt liên tục để nước giữ được độ trong của nó. Ăn miến lươn cảm nhận cái dai dai của sợi miến dong đặc trưng đất Bắc, thịt lươn giòn giòn và tan dần trong miệng, nước dùng đậm đà cùng vị thơm của các loại rau như kinh giới, tía tô, húng thơm.. Bát miến lươn nóng hổi, thích hợp trong những ngày mưa, tuy nhiên vì thịt lươn có tính hàn nên đây còn là món ăn giải nhiệt rất tốt trong những ngày nắng nóng. Địa chỉ: 220 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM. Mỗi bát miến lươn ở đây có giá 30.000 đồng. Quán bán từ 6h đến 12h và từ 16h đến khuya. Miến xào cua Được biến thể từ món miến cua nổi tiếng của người Hải Phòng, miến xào cua là món ăn được nhiều người ưa thích vì lạ miệng cũng như hương vị thơm ngon của nó. Món ăn có thành phần đơn giản với miến, cua, cải thảo cùng một ít nấm mèo.... Ngoài các thành phần như miến, cải thảo và nấm mèo được lựa chọn kỹ càng thì thịt cua là thành phần quyết định sự thơm ngon của món ăn. Những sợi miến được xào mềm nhưng không bở, thịt cua ngọt, đậm đà, cải thảo, nấm mèo được xào vừa ăn, ngon miệng và không mang cảm giác ngấy cho người thưởng thức. Muốn có được điều đó, người bán phải lựa chọn cua rất kỹ. Cua để xào miến nhất thiết phải là cua biển, còn tươi. Cua được rửa sạch và đem luộc chín. Sau khi luộc chín, bóc vỏ lấy phần thịt. Miến xào cua được chế biến rất đơn giản, miến được ngâm mềm với nước. Cải thảo, nấm mèo được rửa sạch và thái nhỏ vừa ăn. Làm nóng chảo dầu, phi thơm hành. Cho thịt cua vào xào với một ít gia vị, khi thịt cua săn lại thì cho nấm mèo và cải thảo vào xào chín. Sau đó cho tiếp miến vào, trộn đều, nêm gia vị vừa ăn và tắt bếp. Những sợi miến được xào mềm nhưng không bở, thịt cua ngọt, đậm đà, cải thảo, nấm mèo được xào vừa ăn, ngon miệng và không mang cảm giác ngấy cho người thưởng thức. Bạn có thể thưởng thức món ăn này tại khu ẩm thực, ở cửa Đông chợ đêm Bến Thành, trên đường Phan Bội Châu, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM. Bắt đầu bán từ 19h đến 24h hàng ngày. Mỗi đĩa miến xào có giá 55.000 đồng.
Quán nướng đông khách ở ngoại ô Sài Gòn Thực đơn của quán hấp dẫn với các món nướng quen thuộc, ngon miệng như bạch tuộc, thịt heo hay xiên que nướng... Nép mình trong con đường nội bộ của quận Gò Vấp, quán Góc Nướng là địa chỉ quen thuộc của giới trẻ ở gần khu vực này, đặc biệt là trong thời điểm Sài Gòn bắt đầu trở lạnh về đêm. Những xiên que nướng hấp dẫn đang tỏa hương thơm nức mũi trên bếp than hồng như quyến rũ người đi đường khi ngang qua khu vực này. Thịt heo lụi nướng là món ăn thơm ngon của người Bình Định. Thực đơn của quán phong phú với nhiều món nướng rất quen thuộc như: nem nướng, bạch tuộc, mực nướng, thịt heo lụi, sườn non nướng... Trong những món ăn đó, thịt heo nướng lụi là món được nhiều người ưa thích nhất vì hương vị thơm ngon của nó. Thịt heo lụi nướng là một đặc sản nổi tiếng của đất Bình Định, từng lát thịt được thái mỏng vừa ăn, tẩm ướp gia vị trước khi nướng cho thực khách. Công việc nướng xem ra dễ dàng nhưng không hề đơn giản. Trong suốt quá trình nướng, phải trở đều tay để que thịt chín đều, lớp da bên ngoài vàng ruộm mà ko bị cháy xém, phần thịt bên trong vừa chín tới và tỏa mùi thơm nức mũi. Từng xiên que được nướng chín vàng, thơm nức. Từng que thịt heo sau khi nướng chín được cho ra đĩa và ăn kèm với bún tươi, rau sống, bánh tráng cùng chén nước mắm đêm đậm đà hương vị miền Trung. Dùng một lát bánh tráng mỏng, cho lên trên các loại rau như: xà lách, tía tô, diếp cá, húng quế... dưa leo, vài lát thịt heo lụi, cuộn tròn lại chấm vào chén mắm nêm. Khi ăn miếng đầu tiên bạn sẽ cảm nhận được ngay vị đậm đà hơi béo của thịt heo cùng mùi thơm của tỏi, chút cay của ớt, vị mát thanh của rau xanh và đặc biệt là hương vị đậm đà của chén mắm nêm làm nên đặc trưng rất riêng cho món ăn đất miền Trung này. Chén mắm nêm đậm đà làm tăng thêm hương vị cho món ăn. Bên cạnh đó, những món ăn khác như phá lấu, bạch tuộc hay bò nướng hành tây cũng rất hấp dẫn và thơm ngon. Bò nướng hành tây. Bạch tuộc nướng. Bao tử nướng. Bạn có thể thưởng thức những món ăn ngon này tại quá Góc Nướng - địa chỉ: 124/3B đường số 11 (đối diện đường Cây Trâm), phường 11, quận Gò Vấp, TP HCM. Quán mở cửa từ 16h đến 22h hàng ngày. Mỗi phần thức ăn ở quán có giá từ 35.000 đồng.
Quán mì xào giòn đông khách lúc nửa đêm Khi kim đồng hồ bắt đầu chỉ sang ngày mới, nhiều người chìm vào giấc ngủ cũng là lúc quán mì xào giòn bình dân ngay góc đường Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật (quận 1) đông khách nhất. Quán nhỏ, những chiếc bàn ghế nhỏ được bày ngay ngắn trên vỉa hè. Bắt đầu bán từ 19h hàng ngày nhưng quán chỉ đông khách khoảng từ 23h trở đi. Nếu đến quán vào thời điểm này, bạn thật sự khó khăn để tìm chỗ ngồi cho mình. Thực khách của quán có đủ thành phần, từ bình dân đến sang trọng. Sự pha trộn giữa nhiều nguyên liệu đem lại sức hấp dẫn cho món ăn bình dân này. Mì xào giòn là món ăn chính của quán và được nhiều người ưa thích. Những sợi mì được chiên vàng óng, nguyên liệu ăn kèm phong phú như cải ngọt, cải thảo, tôm, mực, thịt lợn... cùng nước sốt hơi sánh tạo nên một món ăn đậm đà nhiều màu sắc rất hấp dẫn. Chế biến mì xào giòn không khó. Trước tiên, chủ quán chiên giòn những sợi mì tươi. Khi mì giòn rụm thì vớt ra đĩa, các thành phần ăn kèm như tôm, mực, thịt... được cho vào xào chung với cải ngọt, cải thảo... và nêm gia vị vừa ăn. Trong quá trình xào, đầu bếp thường để lửa rất lớn, theo chủ quán giải thích thì khi xào lửa lớn, thức ăn chính nhanh và không làm mất đi cái tươi ngon của món ăn. Những sợi mì vàng óng ngập trong nước sốt rất đậm đà và ngon miệng. Các nguyên liệu sau khi xào chín được cho lên phía trên đĩa mì và mang ra cho thực khách. Từng sợi mì vàng óng ngập trong nước sốt nhưng vẫn giữ được độ giòn, đĩa mì xào nhiều màu sắc trông thật hấp dẫn sẽ kích thích bao tử của bạn, Nhấm nháp từng sợi mì, bạn sẽ cảm nhận cái giòn tan của sợi mì, vị đậm đà của nước sốt cùng hương vị thơm ngon của những nguyên liệu ăn kèm. Trong cái se se lạnh của thời tiết khi đêm về, được ngồi bên đĩa mì xào bốc khói và thưởng thức hương vị thơm ngon thì thật tuyệt vời. Ngoài mì xào giòn, ở đây còn có món hủ tiếu xào cũng rất ngon miệng. Cách chế biến mì xào giòn khá đơn giản nên bạn có thể thực hiện ở nhà để những người thân trong gia đình cùng thưởng thức.
hôm bữa em mới đi ăn quán lụi phố núi, nhìn quảng cáo trên web và 4rum mình thấy hấp dẫn làm sao, vô ăn mới bik ....
Miến trộn, phở trộn ở Sài Gòn Miến trộn, phở trộn là hai món ăn ngon miệng của người Hà Nội nhưng rất được ưa thích ở Sài Gòn. Nằm trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Tân Bình), quán ăn chuyên gà trở thành địa chỉ ăn sáng quen thuộc của nhiều người. Ngoài món miến gà, phở gà, điểm thu hút thực khách của quán chính là hai món quen thuộc của đất Hà Nội là miến trộn và phở trộn. Phở gà trộn. Có nguyên liệu quen thuộc của món ăn là miến sợi hoặc bánh phở, gà và nước dùng, nhưng sự hấp dẫn đến từ cách biến tấu của chủ quán. Không cho tất cả các nguyên liệu vào bát và chan nước dùng vào như cách thông thường, chủ quán sẽ trộn đều các nguyên liêu với nhau cùng nước tương chua chua ngọt ngọt. Nước dùng được cho vào chén riêng để ăn kèm. và miến trộn là hai món ăn ngon miệng vì hương vị rất đặc biệt. Thịt gà là thành phần chính của món ăn. Dùng gà ta nên thịt chắc, khi ăn mềm nhưng hơi dai dai và có vị ngọt. Gà dùng để trộn thường được thái thành lát hoặc xé nhỏ, để trộn cho thấm gia vị, đem lại sự đậm đà khi ăn. Sợi miến hay sợi phở được chần sơ qua nước sôi và trộn đều với nước tương pha chua ngọt. Sợi miến hoặc bánh phở được chần sơ qua nước sôi và cho vào bát, cho ít mỡ gà lên trên, dùng đũa trộn đều để không bị dính. Cho tiếp thịt gà cùng ít giá tươi, chan nước tương được pha chua chua ngọt ngọt, cho lên một ít ngò rí và mang ra cho thực khách. Dĩ nhiên là không thiếu chén nước dùng được nấu từ nước luộc gà, có vị ngọt thanh và được nêm gia vị vừa ăn. Thịt gà được thái hoặc xé nhỏ. Nếu muốn ăn cay, bạn có thể cho vào bát một ít tương ớt Bắc, dùng đũa trộn thật đều các nguyên liệu, để gia vị được thấm đều trong từng sợi bánh, thớ thịt. Gắp một đũa cho vào miệng để thưởng thức cái hương vị đậm đà của món ăn. Sự ngon miệng do món ăn mang lại khiến bạn không dừng đũa được. Chén nước dùng được nấu từ nước luộc gà nên có vị ngọt thanh rất ngon. Muốn thưởng thức hai món ăn thơm ngon này, bạn có thể ghé đến quán Phương Béo 2, đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, TP HCM. Quán bán từ 6h30 đến 13h và từ 17h đến 21h hàng ngày.