HOT [Quick Review] Insignia EarBuds NS-CAHEP01 - Sinh ra là để thay thế Apple EarPods

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 11/1/16.

By umbrella_corp on 11/1/16 lúc 15:08
  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    Các sản phẩm của Apple luôn sở hữu những ngôn ngữ thiết kế có độ tinh tế và thẩm mỹ rất cao khiến giới công nghệ nói chung cũng như fan cuồng Apple nói riêng luôn cảm thấy kích thích và hứng thú trào dâng. Dù những sản phẩm gần đây của nhà Táo đã bị cộng đồng công nghệ đánh tơi tả về thiết kế mà cụ thể là chiếc bút Apple Pencil và ốp lưng kiêm sạc dự phòng Smart Battery Case dành cho iPhone 6s.

    Với Apple Pencil, người ta đặt câu hỏi rất lớn về tư duy thiết kế của Apple khi chiếc bút Apple Pencil phải sạc thông qua cổng Lightning của iPad Pro. Khi đó, chiếc bút sẽ nằm dọc cùng chiếc iPad Pro và chỉ cần một chút không cẩn thận là người dùng có thể làm gẫy jack sạc của Apple Pencil cũng như làm hỏng luôn cả cổng sạc của iPad Pro. Còn Smart Battery Case là một sản phẩm khó hiểu nữa của Apple, chưa nói gì đến hiệu năng của nó, chỉ riêng thiết kế của chiếc ốp lưng cũng đã khiến chiếc iPhone 6s từ một thiên nga trở thành một chú vịt con xấu xí chỉ trong một nốt nhạc. Khi gắn Smart Battery Case vào iPhone 6s, nó khiến iPhone 6s dày hơn đáng kể với một phần vỏ lồi lên tương tự cục bướu trên lưng anh chàng gù nhà thờ Đức bà. Thiết kế của Smart Battery Case đã đi lại ngôn ngữ thiết kế của Apple từ lúc iPhone 6 ra mắt là càng ngày càng mỏng hơn. Có thể nói chỉ riêng 2 sản phẩm này thôi cũng góp phần làm nên thảm họa về thiết kế của họ nhà Táo vào năm ngoái.

    ifixit-apple-pencil-2.jpg
    iphone-smart-battery-case.jpg
    Apple Pencil và Smart Battery Case - Bộ đôi thảm họa của Apple trong năm 2015. Ảnh: ST.

    Cần lưu ý rằng hai sản phẩm tồi tệ này không phải do nhà thiết kế thiên tài Jony Ive của Apple đảm nhận. Nhắc đến Jony Ive, giới công nghệ không thể nào quên những sản phẩm độc đáo, đẹp và tinh tế của nhà thiết kế người Anh. Thậm chí, đã có nhiều sản phẩm do Ive thiết kế đã trở thành cảm hứng cho những nhà sản xuất khác. Apple EarPods là một trong những sản phẩm như vậy. Ra mắt vào năm 2012 cùng với chiếc smartphone đầu bảng Apple iPhone 5, EarPods sở hữu ngôn ngữ thiết kế vô cùng lạ mắt mang tính cách tân về tính thẩm mỹ, công thái học cũng như độ hiệu quả trải nghiệm của người dùng gây sốt cho cộng đồng công nghệ thời bấy giờ vốn đã quen với những tai nghe truyền thống hay tai nghe dạng nút (EarBuds).

    apples-jony-ive-sits-down-with-time-magazine-01.jpg
    Jony Ive - Người định hình những sản phẩm thành công của Apple. Ảnh: ST.

    EarPods thành công tới mức nó đã định nghĩa lại lối thiết kế của tai nghe EarBuds khi EarPods không cần đến núm cao su như EarBuds để mang lại trải nghiệm âm thanh toàn vẹn nhất cho người dùng mà không bị ảnh hưởng bởi những tạp âm từ môi trường bên ngoài. Như đã nói ở trên, thiết kế của các sản phẩm nhà Táo đã truyền cảm hứng thiết kế cho những nhà sản xuất khác. Trong đó có cả đối thủ lớn nhất của Apple là Samsung với chiếc tai nghe EarBuds đi kèm với smartphone đầu bảng Galaxy S6. Ra mắt vào năm 2015, tai nghe EarBuds của Galaxy S6 được giới công nghệ nhận xét là có nhiều đường nét phản phất ngôn ngữ thiết kế của Apple EarPods dù hãng điện tử Hàn Quốc luôn luôn phủ nhận điều này.

    apple_earbuds01_res.jpg
    samsung_earbuds.jpg
    Apple EarPods (trên) và Samsung Galaxy S6 EarBuds. Ảnh: ST.

    Tuy nhiên, tai nghe EarPods của Apple dù sở hữu lối thiết kế phá cách nhằm mang lại hiệu quả trải nghiệm của người dùng nhưng nó vẫn mang nhược điểm mà không ít tai nghe EarBuds thời đó mắc phải. Đó là lượng âm trầm (bass) quá thiếu lực và thiên về âm bổng (treble) khá nhiều. Điều đó dẫn đến EarPods không phù hợp với người nghe nhạc thể loại như heavy-metal, alternative rock, dubstep v.v... Đã có không ít nhà sản xuất tai nghe không những kết hợp đường nét thiết kế của EarPods cũng như khắc phục được âm bass thiếu lực của nó để tạo nên sản phẩm cho chính mình. Và đó chính là Insignia EarBuds NS-CAHEP01, chiếc tai nghe mà tôi sẽ có bài đánh giá hôm nay.

    [​IMG]
    Insignia EarBuds NS-CAHEP01. Ảnh: BestBuy.

    I - Đôi lời giới thiệu và mở hộp

    Đầu tiên hãy nói đến Insignia một chút. Insignia là hãng sản xuất thiết bị gia dụng và điện tử lớn tại Mỹ và là một phần của tập đoàn bán lẻ đa quốc gia Best Buy. Rất nhiều thiết bị của Insignia đã có mặt ở nhiều hộ gia đình tại Mỹ nhưng hầu hết hàng hóa của Insignia đều được tiêu thụ tại quốc gia này nên họ rất ít được biết đến ngoài biên giới Mỹ, đặc biệt là tại Việt Nam.

    Tôi đã đặt mua chiếc tai nghe này trên Best Buy với giá chỉ 20$ chưa tính phí ship, rẻ hơn 10$ so với tai nghe EarPods của Apple để thay thế tai nghe của họ nhà Táo do đã bị hư hỏng không thể sửa được nữa. Không nói dông dài nữa, tôi sẽ vào đề ngay.

    2_1.jpg

    Nhìn cách đóng gói bên ngoài của Insignia Earbuds NS-CAHEP01 thực sự không thể không liên tưởng đến Apple EarPods cả. Phần mặt trước được bọc nhựa trong trong đó hộp đựng được chia thành 2 phần rõ ràng với hộp giấy lớn đựng hộp nhựa trong chứa tai nghe. Phía sau có ghi các tính năng chính của NS-CAHEP01 như hỗ trợ điều khiển tắt mở nhạc qua một nút bấm, nghe gọi điện thoại, thiết kế công thái học giúp trải nghiệm tốt hơn. Đặc biệt là sản phẩm này được hỗ trợ 1 đổi 1 trong suốt 12 tháng sử dụng, tất nhiên phải gửi về Mỹ thì tôi mới hưởng được chính sách này của Insignia.

    3.jpg

    Như tôi đã nói ở trên, phần đóng gói của NS-CAHEP01 được chia thành 2 phần rất rõ ràng với hộp giấy lớn chứa hộp đựng tai nghe bên trong. Những tưởng ngoài 2 hộp đựng này ra sẽ còn có những món gì khác đại loại như sách hướng dẫn hay gì gì đó, nhưng NS-CAHEP01 hoàn toàn không có gì cả. Điều này thì tùy mỗi người có thể xem đó là tích cực hay tiêu cực, nhưng với tôi thì chẳng quan trọng mấy. Vì tai nghe mới là thứ mà tôi quan tâm khi bốc hộp mà.

    4.jpg
    5.jpg

    Để so sánh, tôi có để hộp của chiếc EarPods bên trái làm mẫu so với chiếc Earbuds của Insignia. Nhìn vào đây, bạn đọc có thể thấy rằng có rất ít điểm khác nhau trong cách đóng hộp sản phẩm của cả hai. Cả hai tai nghe đều được đặt trong một hộp đựng bằng nhựa có nắp nhựa trong bảo vệ. Điểm khác biệt chỉ là mẫu Earbuds của Insignia được trang bị đệm cao su để giảm tải áp lực cho tai nghe khi đặt nó vào hộp, còn mẫu của Apple thì không. Tuy nhiên, đệm cao su này vừa là ưu điểm mà cũng vừa là khuyết điểm của Insignia khi nó khiến người dùng rất khó để lấy tai nghe ra trừ khi bạn chấp nhận gỡ hẳn miếng đệm cao su ra một cách ép buộc do nó được dán bởi một lớp keo bên dưới. Ở điểm này, rõ ràng Insignia tỏ ra thiếu tinh tế hơn so với Apple khi EarPods của họ nhà Táo rất dễ dàng lấy ra khi chỉ cần xoay vòng hộp nhựa là đã có thể lấy được.

    6.jpg
    7.jpg
    8.jpg
    12.jpg
    14.jpg

    Qua 5 tấm hình này, chúng ta có thể thấy gần như không có nhiều điểm khác biệt giữa 2 sản phẩm này. EarBuds của Insignia và EarPods của Apple thậm chí có thể được xem là hai anh em cùng cha khác mẹ khi đặt cạnh nhau ít nhất là về mặt thiết kế. Vì vậy, mẫu của Insignia cũng kế thừa luôn cả tính công thái học và tính thẩm mỹ của Apple khi tôi sử dụng nó cùng với chiếc iPhone 5s. Cảm giác khi dùng tai nghe này hoàn toàn y hệt với EarPods của Apple, nó giúp tôi có thể nghe nhạc suốt ngày mà không bị cảm giác đau tai vì nó quá êm ái như đại diện của họ nhà Táo. Lưu ý 2 hình phía trên bên trái là EarPods của Apple, bên phải là EarBuds của Insignia, hình giữa phía trên là đại diện nhà Táo, dưới là Insignia còn 2 hình dưới thì ngược lại với 2 hình trên.

    15.jpg

    Về cụm nút điều khiển của EarPods (trên) và NS-CAHEP01 (dưới) có sự khác biệt quá rõ. Nếu như EarPods có 2 nút điều chỉnh âm lượng thì đại diện của Insignia lại không có 2 nút này. Thành ra để tăng giảm âm lượng tôi buộc phải dùng đến 2 nút âm lượng trên 5s để điều chỉnh. Đây có thể nói là một thiếu sót lớn của Insignia khi nhà sản xuất này không tích hợp 2 nút điều chỉnh âm lượng vào khu vực này. Chưa kể đến nút điều khiển chính của NS-CAHEP01 khá cứng không có độ nảy tốt như EarPods khiến tôi phải bấm nút nhiều lần mới ăn được. Bù lại cho những khiếm khuyết đó, NS-CAHEP01 có microphone rất nhạy cũng như âm lượng rất lớn so với EarPods khi đàm thoại và chất âm của nó cũng tốt hơn EarPods một chút.

    16.jpg

    Một điểm trừ nữa dành cho Insignia khi khu vực trung gian giữa cáp kết nối 3.5mm và 2 cáp tai nghe trái phải của NS-CAHEP01 không có miếng giữ rối dây như EarPods của Apple. Miếng giữ này sẽ giúp người dùng tai nghe tiện lợi hơn trong quá trình sử dụng, tiếc rằng Insignia đã không thêm vào phần này. Chưa kể đến việc Insignia không sử dụng vật liệu nhựa cứng cho phần trung gian này như EarPods mà sử dụng nhựa mềm khiến NS-CAHEP01 trở nên rẻ tiền hơn nhiều khi đứng cạnh EarPods.

    17.jpg

    Tôi có nói phần trung gian giữa cáp kết nối 3.5mm và 2 cáp tai nghe trái phải của Insignia là rẻ tiền, nhưng ở đầu cắm kết nối 3.5mm ở hình trên thì chất liệu nhựa của nó lại cực kỳ đáng giá. Cụ thể, EarPods cũng sử dụng nhựa cứng cho đầu cắm 3.5mm của mình nhưng trong quá trình sử dụng, tôi rất khó để tháo ra nếu tay bị trơn. Trong những trường hợp như vậy, tôi thường không thể tháo EarPods ra khỏi iPhone 5s một cách dễ dàng. Tuy nhiên, với mẫu của Insignia thì tháo tai nghe rất dễ vì đầu cắm bằng nhựa mềm của nó rất dễ bám tay, qua đó tháo tai nghe ra cũng dễ dàng hơn so với EarPods.​

    II - Thử nghiệm

    Để test Insignia NS-CAHEP01, tôi sẽ sử dụng một đầu DAC (Digital-to-Analog Converter - Đầu giải mã âm thanh tín hiệu kỹ thuật số sang analog) thay vì sử dụng iPhone 5s. Thử nghiệm bằng đầu DAC sẽ giúp tôi đanh giá được chính xác chất lượng âm thanh của NS-CAHEP01 hơn là sử dụng một thiết bị di động phổ thông. Và đầu DAC tôi sử dụng để thử nghiệm EarBuds NS-CAHEP01 là ASUS Essense STU - một trong những đầu DAC chất lượng tốt nhất hiện nay dành cho máy bàn.

    18.jpg

    Đây là danh sách bài hát tôi dùng để thử nghiệm Insignia EarBuds NS-CAHEP01 và tất cả đều ở định dạng FLAC:
    • At a glance - Message to Bears
    • Blood - The Middle East
    • Hotel California - The Eagles
    • Caribbean Blue - Enya
    • A light that never comes - Linkin Park ft. Steve Aoki
    • Lifted Up (1985) - Passion Pit
    • Hello - Adele
    • Rather Be - Clean Bandit ft. Jess Glynne
    At a glance - Message to Bears

    message to bear.jpg

    Đây là một bài hát thuộc thể loại Indie/Folk rất phổ biến trên đường phố Mỹ và At a glance có thể được xem là một ví dụ rất điển hình cho thể loại này. Bài hát sử dụng khá nhiều các nhạc cụ với nhạc cụ chính là guitar, phụ họa theo là violin, organ và trống. Insignia NS-CAHEP01 thể hiện khá tốt ở bài hát này đặc biệt là tiếng đàn guitar có chiều sâu tương đối khá, tuy nhiên phần trống và violin nghe chưa được rõ lắm. Hơn nữa, do thể loại nhạc này không thiên quá nhiều về âm bass nên phần thử nghiệm âm bass của NS-CAHEP01 tôi không thể thực hiện được khi nghe At a glance. Âm treble thì NS-CAHEP01 thể hiện rất tốt, tôi không có gì phải bàn thêm về phần trình diễn của tai nghe này.

    Blood - The Middle East

    blood.jpg

    Tiếp tục là một bài hát thuộc thể loại Indie/Folk nhưng phần nhạc cụ có một chút thay đổi so với bài hát đầu khi nó có thêm đàn gõ, kèn và guitar điện và không có violin. Âm thanh tiếng ca sĩ hát nghe khá rõ ràng, dù đôi lúc phần nhạc cụ tỏ ra quá lấn át vì khả năng thể hiện treble của NS-CAHEP01 là rất ngon. Lại nói đến nhạc cụ, NS-CAHEP01 thể hiện chất âm khá sâu ở bài hát này tương tự với At a glance, giúp tôi có thể xác định được từng loại nhạc cụ khác nhau qua âm thanh. Hơn nữa, nếu như ở bài At a glance đầu tiên âm bass của NS-CAHEP01 không được thể hiện nhiều thì sự có mặt của nhạc cụ guitar điện trong Blood giúp NS-CAHEP01 có cơ hội tái tạo âm bass của mình. Âm bass của NS-CAHEP01 tất nhiên khó có thể đạt được độ sâu cần thiết so với các loại tai nghe cao cấp hơn, nhưng khi so với EarPods của Apple thì rõ ràng Insignia EarBuds NS-CAHEP01 thể hiện tốt hơn nhiều.

    Hotel California - The Eagles

    hotel.jpg

    Trong bài thử nghiệm của tôi về tai nghe, chắc chắn không thể không có Hotel California của The Eagles, một bài hát kinh điển thuộc thể loại Soft Rock làm nức lòng biết bao thế hệ thanh niên thập niên 80. Phiên bản tôi nghe được thu âm năm 1994 chất lượng cao hơn so với phiên bản thập niên 80. Khúc dạo đầu bằng guitar điện được NS-CAHEP01 tái tạo lại ở tầm khá không xuất sắc lắm nhưng khi được tiếp nối bằng trống thì một lần nữa, NS-CAHEP01 khiến tôi rất hài lòng về âm bass của nó. Nó khiến tiếng trống nghe khá uy lực nhưng không át quá nhiều giọng hát của nam chính. Giọng hát trưởng nhóm The Eagles được NS-CAHEP01 thể hiện khá trung thực nhưng cũng chỉ ở tầm với EarPods chứ không thực sự vượt trội hơn tai nghe của nhà Táo. Tổng hòa lại ở bài hát này, NS-CAHEP01 chỉ khá hơn EarPods ở mặt thể hiện âm bass của nó, phần còn lại cả hai đều có khả năng tương đương nhau.

    Caribbean Blue - Enya

    enya.jpg

    Lại thêm một bài hát kinh điển nữa thuộc dòng nhạc New Age. Đó là Caribbean Blue được thể hiện qua phần trình bày của giọng ca thiên thần Enya. Một bài hát có thể nói là có thể giúp người nghe xác định được chất lượng tai nghe một cách dễ dàng, không quá phức tạp như Hotel California, đặc biệt là âm treble và âm bass được hòa trộn một cách tuyệt vời ở Caribbean Blue. Insignia NS-CAHEP01 thể hiện bài hát ở mức chấp nhận được, ít nhất nó có thể đưa tôi lưu lạc đến thế giới kỳ ảo và hùng vĩ của vùng biển Caribbean và thưởng ngoạn quang cảnh tại đây qua tiếng hát du dương của Enya. Tôi đã nghe Caribbean Blue rất nhiều lần bằng EarPods và bây giờ là Insignia NS-CAHEP01 thì trải nghiệm của tôi ở 2 tai nghe thông qua bài hát này tiếp tục là như nhau không ai nổi trội hơn, nếu có thì NS-CAHEP01 chỉ trội hơn một chút xíu về âm bass mà thôi.

    A light that never comes - Linkin Park ft. Steve Aoki

    lp.jpg

    Tới bài hát này, tôi không có đắn đo gì để chọn Insignia NS-CAHEP01 là kẻ chiến thắng. Đơn giản bài hát này thuộc thể loại Dubstep, một thể loại nhạc với nhạc cụ hầu hết là điện tử và phụ thuộc vào trình độ quay dĩa thượng thừa của DJ. Vì vậy, bài hát này sinh ra một lượng âm bass rất lớn đòi hỏi tai nghe phải trợ kháng tốt để tái tạo âm bass một cách có chiều sâu nhất và đặc biệt là không bị méo tiếng khi bài hát tới phân khúc đỉnh cao. Apple EarPods như tôi đã có nói lúc đầu thì khả năng tái tạo âm bass của tai nghe này là quá yếu khiến nhiều lúc tôi cứ tưởng đang nghe thể loại nhạc nào đó chứ không phải là Dubstep. Vì thế, với ưu thế tạo âm bass khá tốt, Insignia NS-CAHEP01 dễ dàng chiến thắng Apple EarPods khi tôi thử nghiệm bằng A light that never comes của Linkin Park phụ trách giọng hát (Chester Bennington và Mike Shinoda) và Steve Aoki trong vai trò DJ.

    Lifted Up (1985) - Passion Pit

    lighted_up.jpg

    Một bài hát thuộc thể loại Indietronica hay còn gọi là Alternative Dance thường được mở tại các sàn nhảy, nhưng Lifted Up (1985) thay vì tạo ra âm bass mạnh mẽ như A light that never comes khi bài hát này cũng phụ thuộc nhiều vào các nhạc cụ điện tử, thì nó lại thiên về âm treble cao hơn nhiều so với âm bass. Thật tiếc rằng cả Insignia NS-CAHEP01 lẫn EarPods đều không thuyết phục được tôi khi thử nghiệm bài hát này. Cả hai đều tái tạo chất âm treble cao khá tệ dẫn đến méo tiếng ở vài phân khúc cao trào của bài hát.

    Hello - Adele

    Adele_-_Hello_(Official_Single_Cover).png

    Bài hát được xem là hit đỉnh cao nhất của Adele trong năm 2015, Hello thuộc thể loại nhạc Soul rất đề cao kỹ thuật về chất giọng của ca sĩ chính, vì thế một tai nghe tốt khi nghe bài hát này là phải tái tạo được chất giọng đầy nội lực của Adele một cách trung thực nhất có thể. Insignia NS-CAHEP01 thể hiện giọng hát của Adele có phần hơi nặng do âm bass của nó tái tạo khá mạnh, trong khi EarPods lại khá hơn NS-CAHEP01 do âm bass của nó quá yếu do đó giọng hát của Adele lại cho cảm giác trung thực hơn, không giả tạo lắm so với đại diện của Insignia.

    Rather Be - Clean Bandit ft. Jess Glynne

    Rather_Be_single_cover.jpg

    Tiếp tục là một bài hit đỉnh nữa nhưng không phải do Adele trình bày vì nó khác thể loại mà chị theo đuổi. Rather Be do Clean Bandit phụ trách phần nền và Jess Glynne là giọng ca chính thuộc thể loại kết hợp giữa Baroque Pop và House. Trong đó, Baroque Pop là thể loại nhạc kết hợp giữa Rock and roll cùng một số nhạc cụ cổ điển như violin hay cello còn House đơn giản là nhạc sàn sử dụng các nhạc cụ điện tử. Vì thế khi nghe bài hát này, tai nghe nào có thể tái tạo rõ ràng âm thanh violin, giọng ca cùng âm bass tốt hơn sẽ là người chiến thắng. Một lựa chọn khá khó nhằn khi cả EarPods lẫn NS-CAHEP01 đều có những thể hiện chất âm mang tính chất bù trừ lẫn nhau. Chất âm violin của EarPods thể hiện tốt hơn, còn giọng ca sĩ lẫn âm bass tạo ra từ nhạc cụ điện tử thì NS-CAHEP01 lại có ưu thế hơn. Tuy nhiên, ở bài hát này, nếu là tôi sẽ chọn EarPods là người chiến thắng, vì nhạc cụ violin trong Rather Be có thể được xem là nhạc cụ chính xuyên suốt trong quá trình nghe, còn các nhạc cụ điện tử khác chỉ mang tính phụ họa, giọng ca sĩ thể hiện trên EarPods có thể thiếu lực hơn nhưng khi kết hợp cùng violin thì lại khác. EarPods rõ ràng thể hiện tốt hơn so với NS-CAHEP01. Vì vậy, ở bài hát này, EarPods đã dành phần thắng trước NS-CAHEP01.​

    III - Lời kết

    Insignia EarBuds NS-CAHEP01 có thể được xem là kẻ thay thế tốt dành cho Apple EarPods khi nó đã khắc phụ được nhược điểm âm bass thiếu lực của đại diện Apple. Hơn nữa, với ngôn ngữ thiết kế từ việc đóng gói cho đến tai nghe lấy cảm hứng rất nhiều từ Apple EarPods, những người sử dụng iPhone như tôi sẽ không quá khó khăn để chuyển sang dùng Insignia EarBuds NS-CAHEP01. Chất lượng âm thanh của Insignia EarBuds NS-CAHEP01 không hề kém cạnh so với Apple EarPods về mặt chi tiết âm ở hầu hết các bài hát, thậm chí ở những bài chuyên về Dubstep nói riêng và chuyên về âm bass nói chung, đại diện của Insignia tỏ ra vượt trội hơn so với đại diện nhà Táo. Đặc biệt chỉ với giá $20 chưa kèm phí ship, rẻ hơn Apple EarPods đến $10, Insignia EarBuds NS-CAHEP01 rõ ràng là một sự lựa chọn rất đáng được tín đồ Apple cân nhắc.

    3.jpg

    Ưu điểm:
    • Thiết kế tương tự Apple EarBuds, dễ dàng làm quen.
    • Có hộp đựng bảo vệ.
    • Rẻ hơn Apple EarPods $10.
    • Âm bass tốt hơn Apple EarPods.
    • Độ chi tiết về âm không thua kém EarPods.
    • Đầu cắm jack 3.5mm được làm bằng nhựa mềm dễ thao tác hơn nhựa cứng của EarPods.

    Khuyết điểm:
    • Thương hiệu lạ chưa quen thuộc với người dùng Việt.
    • Không có nhà phân phối tại Việt Nam.
    • Phần trung gian giữa cáp kết nối 3.5mm và 2 cáp tai nghe trái phải không có miếng giữ rối dây.
    • Nút điều khiển khá cứng và không tích hợp điều chỉnh âm lượng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/1/16

Bình luận

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 11/1/16.

Chia sẻ trang này